00:00 Số lượt truy cập: 2998277

Cuối năm, giá phân bón không có nhiều biến động 

Được đăng : 03/11/2016
Giá các loại phân bón hiện đang ở mức cao nhất tính từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, mức giá này vẫn nằm trong quy chuẩn, chưa đến mức báo động.

Ồng Nguyễn Trí Ngọc, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dự báo, thời gian tới nhu cầu phân bón trong nước sẽ tăng để phục vụ sản xuất vụ mùa và vụ Đông Xuân.

Ước tính, nhu cầu phân bón trong cả nước cần khoảng 3,6 triệu tấn, trong đó lượng phân bón sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 2,5 triệu tấn.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, giá phân bón thế giới sẽ tiếp tục tăng nhẹ do nhiều nước cũng vào vụ sản xuất chính cây vụ đông, vì vậy, giá trong nước cũng sẽ chịu tác động từ sự biến động của giá thế giới.

Trong 9 tháng, Việt Nam đã nhập 2,17 triệu tấn phân bón, tương đương 697 triệu USD, tăng 63,9% về lượng, 65,5% về giá trị, trong đó khoảng trên 60% là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước những lo ngại về khả năng nhập khẩu phân bón sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong quý IV, khi Trung Quốc giảm sản xuất do các ảnh hưởng xấu đến môi trường, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định: “Từ nay đến cuối năm, cung và cầu trên thị trường phân bón sẽ không có biến động lớn”.

Theo ông Thúy, từ giữa tháng 9/2010 đến nay, giá phân bón thế giới tăng từ 40-100 USD/tấn, còn giá phân bón trong nước tăng bình quân từ 700 - 1.000 đồng/kg.

Trong đó phân urê tăng khoảng 1.000 đồng/kg lên mức trên 7.000 đồng/kg, vượt mức giá hồi đầu năm. Hiện giá phân đạm dao động ở mức 6.800-7.400 đồng/kg, phân DAP cũng tăng lên mức 12.000 đồng/kg tùy loại và tùy từng địa phương.

Ông Thúy cho biết, do Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 50% lượng phân urê, 20-30% phân DAP và 100% phân kali nên giá trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới. Trong vòng hai tháng qua, giá phân bón thế giới tăng, cộng thêm đồng USD tăng giá đã kéo giá phân bón trong nước tăng lên.

Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty phân tích thị trường Agromonitor, cho biết do phụ thuộc khoảng 30-40% phân bón từ Trung Quốc nên việc tăng tỉ giá đồng nhân dân tệ và lo ngại Chính phủ Trung Quốc đánh thuế cao đối với phân bón xuất khẩu cũng góp phần vào việc đẩy giá nội địa lên cao.

Tuy nhiên theo phân tích của ông Thúy: “Từ năm 1990, chúng ta tính quy chuẩn theo công thức 2 kg thóc/1kg Urê. Như vậy, bình quân 2kg thóc hiện nay đã khoảng 10.000 đồng (5.000 đồng/kg), còn 1kg urê cao nhất lúc này cũng chỉ khoảng 7.000 đồng. Giá này vẫn nằm trong quy chuẩn, chưa đến mức báo động”.

Ông Thúy cũng cho rằng, việc tăng giá này sẽ không kéo dài, đến khoảng giữa tháng 10, có thể chững lại và giảm xuống đến cuối năm.

Theo tính toán của ông Thúy: “Vụ Đông xuân ở một số quốc gia trên thế giới chỉ còn khâu bón lót, căn cứ tình hình này giá phân bón thế giới sẽ giảm. Hiện nay, nhu cầu phân bón trong nước như urê, NPK và một số loại khác bình quân là đủ. Còn riêng phân DAP thì vẫn ở mức cao do giá thế giới tăng, nhưng dự báo so với nhu cầu sẽ không thiếu lắm”.

Trong khi đó, theo kế hoạch, nhiều nhà máy sản xuất phân bón nghỉ để bảo dưỡng sẽ hoạt động trở lại.

Từ nay đến cuối năm, nhà máy Đạm Phú Mỹ, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sẽ nâng công suất từ 740.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm, nhờ triển khai dự án thu hồi khí CO2 từ khói thải để sản xuất phân đạm... Bên cạnh đó, việc mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc cũng góp phần đáp ứng đủ cầu về phân bón trên thị trường.

Hiện, một số dự án đang được triển khai và theo dự báo đến năm 2015 sẽ đủ đáp ứng nhu cầu về phân đạm.

Giá phân bón được bình ổn trên thị trường trong những tháng cuối năm sẽ là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, là cơ hội đối với doanh nghiệp xuất khẩu phân bón. Tuy nhiên, về lâu dài trên thị trường phân bón cần có quy hoạch và định hướng để đưa ngành phân bón Việt Nam vươn lên đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới.