00:00 Số lượt truy cập: 2637280

Cựu binh có chí làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

Là một trong những người tiên phong thực hiện phong trào sản xuất lúa 4 số (mỗi năm thu hoạch từ 1.000 giạ trở lên) ở Tháp Mười, cựu chiến binh Châu Văn Tây đã hoàn thành giấc mơ làm giàu của mình và giúp bà con cùng phát triển kinh tế.


Quyết tâm chinh phục

Năm 1964, khi bước sang tuổi 15, cũng như bao người trai của quê hương Thanh Mỹ anh hùng (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), Châu Văn Tây vào bộ đội, chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, năm 1976 ôngxin xuất ngũ về quê.

Vợ chồng ông Châu Văn Tây cho ếch ăn.

Năm 1977, người bác thấy vợ chồng ông có chí nên sang nhượng cho 10 công đất với giá 10 chỉ vàng, cho phép trả dần trong 2 năm. Có đất, ngoài việc làm thuê, làm mướn để duy trì cuộc sống hàng ngày, vợ chồng ông tranh thủ thời gian cải tạo 10 công đất bằng cách lên bờ bao vừa trồng cây ăn trái vừa bảo vệ diện tích lúa. Ròng rã 12 năm bám ruộng, dù đã tự túc được lương thực nhưng gia đình ông vẫn nghèo khó.

Chính quyền cấp cho ông thêm 10 công đất rừng tràm, nhưng đất nhiễm phèn không thể làm gì được. Để đánh thắng “giặc phèn” và nâng cao năng suất lúa, ông tìm đến các lão nông tri điền để học hỏi và mua thêm máy móc sản xuất. Vừa chăm bẵm 20 công đất ruộng nhà, vừa phục vụ suốt lúa cho bà con, lại biết chi tiêu hợp lý; sau 5 năm, vợ chồng ông mua thêm được 80 công đất.

Ông Tây là một trong những người tiên phong thực hiện phong trào sản xuất lúa 4 số (mỗi năm thu hoạch từ 1.000 giạ trở lên) ở Tháp Mười. 100 công đất làm lúa 2 vụ được ông chuyển lên 3 vụ, mỗi năm đạt từ 10.000 - 11.000 giạ và có thêm lợi nhuận từ dịch vụ suốt lúa 3 vụ/năm cho người dân trong vùng. Tới năm 2007, ông mua thêm 100 công đất nữa. Giờ mỗi năm ông thu hoạch từ 21.000 - 22.000 giạ lúa.

Cùng giúp bà con làm giàu

Mải mê làm giàu quên cả tháng ngày, ngẩng đầu lên, ông Châu Văn Tây tự thấy phải chuẩn bị dần cho lộ trình bàn giao thế hệ, bằng cách cho các con ra riêng rồi chia đất cho làm ăn, cất nhà cho ở. Ông chỉ giữ lại 50 công đất ruộng, 5 công đất vườn cây ăn trái và vài công đất nuôi gia cầm. Vậy mà giờ mỗi năm, lợi nhuận thu được từ nuôi ba ba, ếch, cá, gà – vịt, vườn cây ăn trái cùng 50 công đất làm lúa và chiếc máy gặt làm thuê… cũng đạt gần 1 tỷ đồng.

Sau nhiều lần gặng hỏi, cựu chiến binh Châu Văn Tây mới cho tôi hay: Bằng 117 chỉ vàng cho mấy hộ chuộc lại đất, vợ chồng tôi muốn giúp đỡ bà con trong vùng, coi như “quỹ vui tuổi già vậy”.

Nói về đồng đội của mình, ông Lê Văn Thái – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Mỹ khẳng định: “Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, trước hết phải kể đến ý chí và nghị lực theo đuổi mục đích của ông Châu Văn Tây. Ròng rã 28 năm chấp nhận cuộc sống kham khổ để làm giàu. Mà chuyện làm giàu của đồng chí Tây cũng là bài học đáng suy ngẫm: Có bài bản và lộ trình rõ ràng”.

Theo bà con nơi đây, không chỉ nhiều đất, nhiều tiền mà ông Tây còn là người rất giàu lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý để những người nghèo khó có đất, có vật tư sản xuất. Thời gian qua, ông cho 3 gia đình mượn 117 chỉ vàng để chuộc lại đất đã cầm cố (một gia đình 8 công, một gia đình 3 công, một gia đình 4 công), nhờ có đất sản xuất nên mấy năm nay cuộc sống của 3 gia đình được ông giúp đỡ đều ổn định, có người đã vươn lên khá giả.