00:00 Số lượt truy cập: 3076995

ĐBSCL: Bò vàng trở lại thời “hoàng kim” 

Được đăng : 03/11/2016
Trước dịch bệnh heo tai xanh, người nuôi heo lao đao thì người nuôi bò vàng nhất là bò lai Sind ở ĐBSCL đang thắng lớn, giá bò đang tăng từng ngày. Ở tỉnh Trà Vinh - “thủ phủ” bò miền Tây, giá bò thịt, bò giống lai Sind tăng gấp 1,5 - 2 lần so cách đây 2 năm. Nuôi bò ít dịch bệnh, con bò ăn rơm, ăn cỏ nên được xem là vật nuôi lý tưởng, ăn chắc hiện nay…

Nuôi bò vàng... ăn chắc!

Hơn 20 năm chăn nuôi bò vàng chưa bao giờ ông Bảy Phước (Huỳnh Văn Phước ở xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang - Trà Vinh) lại hả hê như vậy. Vừa bán xong 2 con bê giống lai Sind 6 tháng tuổi, mỗi con giá 6 triệu đồng, ông lãi ròng 6 triệu đồng, cao gấp 2 lần so năm trước. Đưa tôi ra chuồng bò cạnh nhà, chỉ tay về đàn bò giống lai Sind 5 con đang nhai cỏ, ông khoe: “Dịch heo tai xanh khiến người nuôi heo “đột quỵ”, bò vàng lên ngôi. Hôm qua, thương lái Trà Vinh, Vĩnh Long đến tận chuồng đòi mua bò thịt giá 100.000 đ/kg. Tuy cao gấp 1,5 lần so cách đây 8 tháng nhưng tôi không bán”.

Nông dân Nguyễn Văn Thảnh (Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang) nhờ trồng đậu phộng, biết tận dụng thân cây đậu nuôi bò sinh sản lai Sind mà có tiền cho 2 con học đại học. Ông Thảnh kể: Cách đây 3 năm, khi bò rớt giá, nhiều hộ bán đổ bán tháo. Riêng ở đây do nguồn phụ phẩm đậu phộng dồi dào, nông dân nuôi bò không chạy theo phong trào nên đàn bò phát triển căn cơ, ăn chắc. Gia đình nào trồng đậu cũng nuôi 1 - 2 con bò. Giờ thì đàn bò cả xã tăng lên cấp số nhân đến hàng chục ngàn con, cuộc sống người dân khá lên, 80% xây dựng được nhà tường”.

Sau thời gian thoái trào, con bò vàng ở ĐBSCL nói chung, Trà Vinh nói riêng đang trở lại thời hoàng kim. Ông Kim Ngọc Thi, Phó Chủ tịch xã Tập Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết: “Giá bò từ đầu năm 2010 đến nay tăng bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/con, cụ thể bò lai Sind 6 tháng tuổi trước kia khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/con nay tăng lên 6 - 7 triệu đồng/con. Với giá bò như hiện tại, người dân nuôi bò sẽ mau thoát nghèo. Bởi con bò ăn rơm, ăn cỏ chỉ tốn chi phí ban đầu, ít dịch bệnh, ít gặp rủi ro không sợ thua lỗ như nuôi heo, gà, vịt”.

Không riêng Trà Vinh, nhiều tỉnh khác như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre... nông dân đang trở lại đầu tư nuôi bò.

Nâng cao chuỗi giá trị bò vàng!

Xác định nuôi bò lai Sind, bò vàng lấy thịt là thế mạnh địa phương, tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị bò thịt từ nay đến 2015. Theo đó, mục tiêu ưu tiên số 1 là kêu gọi đầu tư một nhà máy chế biến bò thịt khép kín năng suất 100 - 150 con/ngày vào năm 2011. Cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò đến năm 2015 có 85% tỷ lệ ZêBu; liên kết với các siêu thị và các chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh, khu vực ĐBSCL tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu bò thịt Trà Vinh vào năm 2012. Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh đánh giá: “Nếu ở thời điểm năm 2000 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 60.000 con bò thì sau 10 năm đàn bò toàn tỉnh trên 160.000 con bò. Trong số này, có hơn 50% bò lai Sind hướng thịt. Trung bình hàng năm đàn bò tăng thêm 10.000 con, giá trị sinh lợi tăng thêm từ nuôi bò hàng trăm tỉ đồng - một con số có ý nghĩa to lớn trong mục tiêu giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân, nông thôn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở mức độ phát triển tự nhiên như hiện nay thì chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, để nâng cao chuỗi giá trị bò thịt, ngành nông nghiệp phối hợp với các viện, Trường Đại học Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, dự án IMPP Trà Vinh (Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo) đưa nghề nuôi bò thịt trở thành nghề chính ở nông thôn sau trồng lúa. Bởi lẽ, nuôi bò thịt ở nông thôn không chỉ xóa nghèo mà còn mở ra triển vọng làm giàu nếu được tổ chức bài bản từ khâu chăn nuôi, chế biến đến mở hướng xuất khẩu”.

Hiện nay Trà Vinh nói riêng, ĐBSCL nói chung, 50% người nuôi bò có hoàn cảnh kinh tế ở mức trung bình, 32% là đối tượng hộ nghèo thiếu vốn cho nên phần lớn nông dân chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ. Chỉ có khoảng 10% chăn nuôi theo quy mô trang trại, 5% nuôi vỗ béo. Vì vậy, thu nhập từ nuôi bò còn hạn chế và hiệu quả thấp. Chính những hạn chế này là rào cản khiến cho nghề nuôi bò lấy thịt chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của nó. Có một thực tế đáng quan tâm hiện nay là lợi tức cho người chăn nuôi quá ít, mối quan hệ giữa người chăn nuôi và người giết mổ không lâu dài, không có sự hỗ trợ cùng phát triển giữa hai phía. Người chăn nuôi dễ bị thiệt hơn thương lái do là người bị động.

Nuôi bò thịt, bò lai Sind từ lâu là nghề truyền thống của nông dân ĐBSCL. Nuôi bò chỉ nặng vốn đầu tư ban đầu nhưng bù lại lấy công làm lời thu hồi vốn dễ, sinh lợi nhanh và “ăn chắc mặc bền” so với các vật nuôi khác. Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên đàn heo tai xanh lan rộng ở nhiều tỉnh, thành thời gian qua vì chưa có vaccine phòng trị, làm thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng của người chăn nuôi thì nghề nuôi bò thịt “vẫn ăn nên làm ra”. Xây dựng chiến lược nâng cao chuỗi giá trị bò thịt như tỉnh Trà Vinh đang làm là hướng đi đúng cần nhân rộng nhiều nơi. Đặc biệt, vùng ĐBSCL cần sớm xây dựng nhà máy chế biến thịt bò quy mô vùng để sản phẩm thịt bò Việt Nam không thua ngay trên sân nhà, để người nuôi bò miền Tây không còn “tự bơi” như hiện nay.

Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng đàn bò ở ĐBSCL hiện khoảng 750.000 con, trong đó tỉnh Trà Vinh có tổng đàn bò lên tới 160.000 con, trong này có 50% là bò lai Sind, được xem là “vương quốc bò” miền Tây, cung cấp bò giống lai Sind và bò thịt cho cả vùng ĐBSCL.