Việc trồng trọt và kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL đang chuyển sang tình thế mới...
Giá lúa gạo leo thang
Chỉ có những người âm thầm đẩy giá gạo lên mới hiểu rõ vì sao giá lúa gạo leo thang. Một DN ở Cần Thơ nhận xét: Từ tháng 9.2006, khi Việt Nam trúng thầu cung cấp 210.000 tấn gạo cho Indonesia, giá gạo bắt đầu nhích lên.
Lẽ ra đến lúc này không còn hợp đồng xuất khẩu gạo. Nhưng giá gạo vẫn lên, thậm chí khá cao nên chỉ có khả năng là vẫn còn hợp đồng và các DN đã đẩy giá lên tranh mua biến gạo trở thành mặt hàng nóng. Vì ai cũng biết giá gạo như lúc này là giá ảo.
Một DN khá rành rẽ hợp đồng xuất gạo cho biết: Hợp đồng giao gạo cho Indonesia chính thức giao hàng từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11.2006. Các DN không có chiến lược dự trữ, không có vốn, kho tàng để tồn trữ nên tranh mua để có gạo xuất khẩu là chuyện đương nhiên.
Phó Giám đốc Nông trường Cờ Đỏ nói: Giá lúa cao, nhưng gạo không còn. Hồi xưa, ai cũng "hét" cho nhiều để có chỉ tiêu nên bây giờ rơi vô chỗ có chỉ tiêu mà không có gạo.
Hiện nay, khu vực Sóc Trăng đang gặt lúa thu đông nhưng năng suất thấp, dịch rầy khiến ai nấy lo giữ lúa lại để "phòng cơ".
Còn tại chợ gạo Bà Đắc, huyện Cái Bè (Tiền Giang), nhiều thương lái cho biết: Từ hơn một tuần nay, giá gạo đã tăng lên 300đ/kg, đạt mức 4.900đ/kg đối với gạo dẻo 64 và gạo thơm jasmin lên đến 6.400đ/kg. Dù giá cao nhưng các thương lái ở đây không có hàng để mua vì lúa, gạo trong dân đã hết, hiện hoạt động thu mua chỉ còn trông vào lượng lúa "nhà giàu" còn trữ lại.
Thực tế kinh doanh hiện nay tại chợ đầu mối này khá ảm đạm là do giá cao nên không xuất hàng đi được. Các thương lái vì giá cao nên không dám gom hàng. Trong khi đó, tại khu vực thu mua lúa gạo trên tuyến sông Ba Rài thuộc huyện Cai Lậy (Tiền Giang), các nhà máy không còn lúa để xay xát.
Cao giá, mua bán khó khăn
Làm sao còn gạo nhiều như lúc trước khi mấy năm qua dân đã giảm hơn 200.000ha lúa không hiệu quả? Đó chỉ là một trong những lý do sâu xa, nhưng dễ thấy nhất là tình trạng nhiều DN có vốn, tiên liệu trước việc thóc cao gạo kém đã lẹ mua lúa chất đầy kho từ mấy tháng trước.
Khi giá nhích lên, họ không vội bán mà cũng không thèm ký hợp đồng với Cty, vì lỡ ký hợp đồng mà không giao hàng đúng hạn sẽ phải đền hợp đồng. Các Cty tự tìm thị trường xuất khẩu gạo bắt đầu ngơi nghỉ.
GĐ một Cty ở Thốt Nốt cho biết: Năm ngoái, Cty đã xuất 280.000 tấn, năm nay giảm còn 220.000 tấn. Thực ra, từ năm ngoái VN chỉ còn 12 đại gia XK gạo, nhiều Cty đã tự giảm sản lượng XK để tập trung bán ở nội địa, dễ cân đối hơn xuất khẩu.
Năm tới, các Cty sẽ tự giảm số lượng một lần nữa nếu rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do virus lan rộng. Hiện nay, hoạ rầy nâu và bệnh do virus đã xảy ra ở 22 tỉnh, thành. Trên 80.000ha đang bị nhiễm rầy, vàng lùn, lùn xoắn lá.
Người ta vẫn hào hứng khi nói về kim ngạch XK gạo năm 2006 có thể đạt 1,3 - 1,4 tỉ USD. Nhưng theo nhiều DN, hiện một số Cty ở miền Nam đã từ chối các đơn đặt hàng gạo, dù giá cao hơn hồi tháng 8 từ 4 - 6USD/tấn.