Các nhà khoa học quốc tế vừa cảnh báo từ nay đến tháng 3/2008, dịch cúm gia cầm (CGC) ở nước ta có nguy cơ tái phát cao do khí hậu chuyển lạnh (là điều kiện cho virus CGC tồn tại và phát triển trong môi trường, đàn gia cầm, chim di cư).
Tại ĐBSCL, sau khi dịch CGC tái phát tại Trà Vinh, việc triển khai phòng chống dịch chưa thật sự triệt để, tiêm phòng CGC đợt 2 chậm, quản lý vịt chạy đồng lỏng lẻo; ở nhiều nơi, tình trạng giết mổ, kinh doanh gia súc gia cầm còn tràn lan. Tại Kiên Giang, việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia súc gia cầm trên địa bàn hiện nay gần như bị thả nổi, tình trạng giết mổ bày bán thịt gia súc gia cầm chưa qua kiểm dịch diễn ra công khai. Tại Bạc Liêu, nơi nhập hơn 12.000 con gà thuộc dự án khuyến nông (gà đã phát bệnh ở Đồng Tháp), đàn thủy cầm nuôi mới đang tăng nhanh nhưng tiêm phòng vaccine thấp, nguy cơ tái phát dịch luôn là nỗi lo của chính quyền và người dân.
Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT vừa có Công điện số 36 và Chỉ thị số 2560, tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp khẩn cấp phòng chống bệnh CGC tái phát. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về dịch CGC, chống chủ quan lơ là, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, phát hiện và chủ động khai báo dịch, tự giác tham gia chống dịch...
Ngày 28/10, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chính thức xác nhận, dịch CGC đã tái phát tại Cao Bằng. Qua kiểm tra, đoàn công tác của Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng II và Chi cục Thú y đã phát hiện dịch CGC xảy ra tại xóm Lũng Nà, xã Đức Hồng gồm: 152 gà, vịt; và tại xóm Giộc Sung xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, có khoảng 600 vịt và 300 gà bị chết. UBND tỉnh Cao Bằng đã có quyết định công bố dịch tại huyện Trùng Khánh.