00:00 Số lượt truy cập: 3077022

ĐBSCL: Nuôi và xuất khẩu tôm vẫn còn nhiều mối lo 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, sản lượng tôm nuôi nước lợ có thể đạt tới 500.000 tấn, tăng 22,5% so với năm 2009. Tuy đạt nhiều kết quả khả quan nhưng hiện nay, người dân đang lo lắng vì bệnh dịch ở tôm đang diễn biến phức tạp.

 

Các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu cũng lâm vào tình trạng khó khăn, chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất do số lượng các nhà máy chế biến tôm gia tăng nhanh chóng cộng với nhiều nhà máy mở rộng dây chuyền sản xuất dẫn tới sản lượng tôm nguyên liệu không đủ cho chế biến, xuất khẩu.

Dịch bệnh tràn lan

Ngay từ những tháng đầu năm 2010, nhiệt độ cao và biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, mặn xâm nhập… đã làm thiệt hại rất nhiều diện tích nuôi tôm sú ở vùng ĐBSCL. Ngoài ra, điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm chưa hoàn chỉnh, chưa có kênh cấp và kênh xả riêng biệt, hệ thống thủy lợi hiện đang sử dụng trong tiêu thoát nước nuôi tôm là hệ thống thủy lợi phục vụ cho canh tác nông nghiệp đã bị bồi lắng, ý thức người dân trong việc phòng chống dịch bệnh, dập dịch, ý thức nuôi tôm cộng đồng chưa cao, đây cũng là những nguyên nhân làm cho diện tích tôm bệnh tăng.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Bạc Liêu, đến đầu tháng 9/2010, người dân đã thả gần 116.000 ha tôm, trong đó nuôi theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp hơn 7.600 ha, diện tích còn lại nuôi theo mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp với nhiều loại thủy sản khác. Nhưng do nhiễm vi rút vi bào tử xâm nhập, cộng thêm thời tiết bất lợi nên số diện tích bị thiệt hại khá lớn, đã có gần 20.000 ha tôm nuôi bị chết, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ đồng.

Tại tỉnh Kiên Giang, đã có trên 10.000 ha tôm nuôi trên nền đất lúa ở các huyện thuộc vùng U Minh Thượng bị thiệt hại, do xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng. Nhiều nông dân phải thu hoạch sớm để bù vào chi phí bỏ ra đầu vụ. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Kiên Giang đã thả giống 81.163 ha tôm sú, tập trung phần lớn ở 4 huyện vùng U Minh Thượng. Theo phản ánh từ các hộ dân nuôi tôm, giá tôm đang ở mức cao, tình hình dịch bệnh cũng khó đoán, nên khi ao tôm có vấn đề, nhiều hộ nuôi tiến hành thu hoạch ngay.

Từ đầu tháng 7/2010 đến nay, tình trạng tôm chết đột ngột ở Sóc Trăng diễn ra nhanh, diện tích thiệt hại cũng tăng một cách nhanh chóng. Không chỉ là mô hình nuôi quảng canh cải tiến, lần này đến lượt các diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp với kỹ thuật nuôi tiên tiến cũng bị thiệt hại nặng. Theo Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, diện tích thiệt hại chủ yếu ở các ao tôm 80 ngày tuổi trở lại, còn tôm trên 3 tháng tuổi vẫn đang phát triển bình thường. Lúc đầu chỉ có một vài ao thiệt hại, nhưng sau đó tốc độ thiệt hại tăng dần lên. Đến nay đã trên 5.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Vĩnh Châu, Trần Đề. Các kết quả xét nghiệm mẫu đều chưa xác định được tác nhân gây bệnh.

Tại Tiền Giang, vào những tháng đầu năm (tháng 2-3), tình hình dịch bệnh cũng xảy ra đồng loạt tại một số khu vực, nhất là những hộ nuôi tôm trước lịch khuyến cáo của tỉnh. Tuy nhiên, những tháng tiếp theo tình hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Đến nay, diện tích tôm bệnh trên địa bàn tỉnh là 172,6ha. Người nuôi tôm đang bước vào giai đoạn thu hoạch cuối vụ chính đối với tôm sú và thu hoạch vụ 3 đối với tôm thẻ.

Không đủ tôm nguyên liệu chế biến XK

Theo nhận định của một số doanh nghiệp thu mua và chế biến thủy sản, giá tôm xuất khẩu trong quí IV sẽ tiếp tục ở mức cao. Vì hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang bước thời điểm cuối vụ thu hoạch chính vụ tôm công nghiệp nhưng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới vẫn tăng cao. Đặc biệt, nguồn tôm cỡ lớn để xuất khẩu đi Mỹ không đủ để chế biến mặc dù đơn hàng cho loại này kể từ sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mehico, Mỹ tăng rõ rệt. Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL chỉ hoạt động khoảng từ 50 đến 60% công suất.

Vì thiếu tôm sú cỡ lớn, trong khi đây là mặt hàng tiêu thụ chính ở Mỹ, nên các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng cách đẩy giá thu mua lên cao mới có tạm đủ nguồn cung để giữ chân khách hàng trong khi chờ các đợt thu hoạch tôm quảng canh tới. Thực tế này đã làm cho việc kinh doanh thiếu hiệu quả.

Tình hình thiếu nguyên liệu có phần do việc tôm nuôi ở Sóc Trăng hồi đầu tháng 7/2010 đã bị chết hàng loạt, trong khi đây là tỉnh cung cấp lượng tôm nguyên liệu chính cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ.

Hiện nay, giá tôm thương phẩm ở ĐBSCL vẫn đang đứng ở mức khá cao, loại 20 con/kg giá 180.000 đồng/kg, 30 con/kg 140.000 đồng/kg. Đối với tôm xuất khẩu, giá xuất khẩu trung bình tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù giá tôm xuất khẩu tăng mạnh nhưng chỉ những doanh nghiệp nào tự túc được nguồn nguyên liệu, nói cách khác là có đầu tư từ khâu nuôi trồng cho đến sản xuất, là đạt được lợi nhuận cao, trong khi phần lớn doanh nghiệp hiện nay vẫn chỉ thu mua lại từ nguồn tôm nuôi trong dân.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), dự báo trong các tháng còn lại, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung cấp từ vịnh Mexico vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn từ sau vụ tràn dầu hồi tháng 4. Thị trường Nhật Bản với các loại tôm cỡ nhỏ hơn sẽ tiếp tục được doanh nghiệp quan tâm, khi giữ mức tăng trưởng ổn định về giá lẫn số lượng nhập khẩu. Thị trường Mỹ và Nhật Bản hiện chiếm tổng cộng gần 50% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng Cục Thủy sản, đến hết tháng 8/2010, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ đạt khoảng 222.480 tấn trên 39% diện tích thả nuôi. Trong đó, Cà Mau và Bạc Liêu là 2 tỉnh có sản lượng tôm đã thu hoạch nhiều nhất với 45.490 tấn và 39.859 tấn.

Còn tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, vào thời điểm chính vụ, nguồn tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng tối đa 70-80% công suất các nhà máy chế của tỉnh. Mỗi năm, Cà Mau có thể chế biến 150.000 tấn tôm thành phẩm. Tuy nhiên, hiện năng suất của toàn tỉnh cũng chỉ đạt 10.000 tấn/tháng. Tổng sản lượng tôm chế biến của Bạc Liêu 9 tháng đầu năm đạt 20.118 tấn với 15 nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, mặc dù năm nay, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng nhưng do diện tích thả nuôi tôm nước lợ tăng, nên sản lượng tôm không giảm. Mặt khác, nhu cầu trên thế giới gia tăng và điều kiện thị trường năm nay cũng khá thuận lợi. Bởi vậy, có thể dự báo sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta năm 2010 sẽ đạt kết quả khả quan.

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, tính đến ngày 15/8/2010, Việt Nam xuất khẩu 122.702 tấn tôm, thu về 1,02 tỉ USD.