00:00 Số lượt truy cập: 3077574

ĐBSCL: Phấn đấu đưa sản lượng cá nước ngọt đạt 1,8 triệu tấn 

Được đăng : 03/11/2016
Các tỉnh ĐBSCL phấn đấu đưa sản lượng cá nước ngọt đạt 1,8 triệu tấn vào thời điểm cuối năm 2010, tăng 426.000 tấn so năm 2008, trong đó sản lượng cá tra đạt 1,2 triệu tấn.


Để hoàn thành chỉ tiêu này, các tỉnh đưa 195.000 ha mặt nước vào nuôi cá nước ngọt, trong đó có 8.600 ha nuôi cá tra. Các loại cá nước ngọt khác chủ yếu là cá lóc, trê vàng, trê lai, rô phi, rô đồng, mè, thác lác, tôm càng xanh. Hình thức chủ yếu là nuôi trên ruộng trũng (60% diện tích), chuyên canh, luân canh, xen canh cá kết hợp trồng lúa, nuôi ao, mương vườn, nuôi đăng quầng, bè (38% diện tích). Riêng toàn bộ diện tích cá tra được nuôi theo phương thức thâm canh và chỉ nuôi tại 10 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, TP Cần Thơ. Tôm càng xanh được nuôi trên diện tích khoảng 10.500 ha với hình thức đa dạng nhất như nuôi chuyên canh, nuôi kết hợp với trồng lúa và nuôi luân canh lúa, nuôi đăng quầng , mương vườn. Trong đó, nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh. Nuôi đăng quầng trong mùa lũ phổ biến tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang . Nhóm cá đen (lóc, trê, rô đồng…) được nuôi chủ yếu trong ao, hầm với diện tích nuôi trên 90.000 ha, tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An. Các trại giống cá trong vùng có khả năng sản xuất 5 tỉ con giống, không những cung ứng đủ giống đạt chuẩn cho người nuôi trong vùng mà còn cung ứng cho các địa phương khác trong cả nước. xác định kỹ thuật nuôi là một trong những yếu tố quyết định thành công, đối với mặt hàng chủ lực cá tra, các tỉnh khuyến khích người nuôi áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” gồm: giảm mật độ thả nuôi còn từ 20 - 25 con/m2 ao; giảm sử dụng thuốc kháng sinh (chỉ sử dụng khi thật cần thiết); giảm xả chất thải trong ao nuôi ra sông rạch. “3 giảm” nói trên sẽ tạo ra 3 lợi ích (3 tăng). Mật độ thả nuôi phù hợp với tập tính sống nên cá ăn mồi tốt hơn, cá lớn nhanh hơn, tăng sức đề kháng với bệnh tật, chất lượng thịt cá tốt hơn. Việc không sử dụng hoặc sử dụng ít thuốc kháng sinh nên môi trường nước không ô nhiễm. Thịt cá nguyên liệu sẽ đạt được độ an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cá sẽ đẹp, bán được với giá cao hơn, lợi nhuận tăng thêm. Kỹ thuật nuôi các loại cá nước ngọt khác cũng được phổ biến rộng rãi hơn với các hình thức tập huấn, hội thảo đầu bờ, cung cấp tài liệu, hình ảnh thường xuyên qua các cơ quan thông tin đại chúng, nhiều nhất là phát thanh truyền hình. Các tỉnh còn cho người nuôi vay hàng trăm tỉ đồng cải tạo ao nuôi, mua con giống, thức ăn. Nhờ đó vụ cá thứ nhất (2 vụ/năm) năm nay, sản lượng cá nước ngọt thu hoạch đạt trên 910.000 tấn, đạt trên 50% kế hoạch năm, tăng 29% so cùng kỳ năm 2009, trong đó có 757.000 tấn cá tra, phục vụ chế biến, xuất khẩu trên 350.000 tấn./.