00:00 Số lượt truy cập: 3083582

ĐBSCL có nguy cơ không còn là trung tâm lúa gạo 

Được đăng : 03/11/2016
Nếu các địa phương tiếp tục “vô tư” biến đất lúa thành đất để sử dụng vào các mục đích khác như hiện nay, thì về lâu dài, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể đảm đương vai trò là trung tâm lúa gạo của cả nước như Chính phủ đã qui hoạch.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ năm 2000 đến nay, đất trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm 205.000ha, chiếm 57% số đất lúa cả nước bị giảm trong cùng thời điểm. Trung bình mỗi năm, diện tích đất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long bị thu hẹp hơn 20.000ha.

Nguyên nhân chủ yếu do các tỉnh thu hồi đất lúa để xây dựng các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và nhiều loại công trình khác.

Thời gian qua, nhờ khai hoang, phục hóa nên diện tích đất trồng lúa thực tế được bù đắp, nhưng hiện nay, đất khai hoang, phục hóa không còn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ha đất lúa được quay trung bình 2 - 3 vòng trong năm, nghĩa là cứ 1ha sẽ gieo sạ được ít nhất 2,5 lượt ha (lúa) trong năm.

Nhờ đó, khoảng 2 triệu ha đất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long đã quay vòng lên tới 3,8 triệu ha lúa mỗi năm (từ 2-3 vụ lúa) với năng suất cao nhất là 5 tấn/ha.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện diện tích đất lúa ổn định như hiện nay (2 triệu ha), nếu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm thâm canh thì hàng năm Đồng bằng sông Cửu Long có thể thu hoạch tối đa 20 triệu tấn lương thực.

Nhưng nếu không ngăn chặn tình trạng biến đất lúa thành đất được sử dụng vào các mục đích khác, thì trong 10 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm thêm ít nhất 200.000ha đất lúa; đồng nghĩa với giảm khoảng 750.000 ha lúa/năm, tương đương với 3,75 triệu tấn lúa.

Khi đó, sản lượng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long làm ra hàng năm chỉ còn trên dưới khoảng 16 triệu tấn. Nếu gặp thiên tai, bão lũ thỉ sản lượng còn giảm thấp hơn. Trong khi đó, dân số Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước tăng lên, khiến nhu cầu lương thực cũng tăng theo.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tổng nhu cầu lúa cho năm 2015 là 32,1 triệu tấn, năm 2020 là 35,2 triệu tấn và năm 2030 là 37,3 triệu tấn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia môi trường, trong tương lai, do biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng, Đồng bằng sông Cửu Long có thể mất từ 15.000 đến 20.000km2 đất, trong đó có rất nhiều diện tích đất trồng lúa. Sản xuất nông nghiệp ở khu vực này sẽ bị đảo lộn, gặp rất nhiều khó khăn.