00:00 Số lượt truy cập: 3039713

ĐBSCL đã có nghề nuôi cá hô 

Được đăng : 03/11/2016
Thượng nguồn sông Hậu, cuối dòng sông Mekong là xứ sở của loài cá hô, loài cá đã nằm trong... sách Đỏ. Thế nhưng nhờ sự nghiên cứu và lai tạo thành công của Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ nên cá hô sẽ không mai một mà ngày càng phát triển mạnh - Thạc sĩ Thi Thanh Vinh, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ cho biết.

Hiện ở ấp 4B, xã Tân Thuận, huyện Châu Thành A, Hậu Giang đang thả nuôi khoảng 700 con cá hô, phát triển tốt. Ông Trần Hồng Ưng, chủ hộ nuôi cho biết: Một lần đi ăn đám cưới tại TP.HCM, bàn tiệc có một con cá chiên xù. Mới nhìn giống cá chép, khi ăn thì thịt rất ngon, không có xương nhỏ như cá chép. Hỏi ra mới biết đó là cá hô, giá rất đắt, thế là ông nảy ra ý tưởng nuôi loài cá này. Về nhà, ông tìm hiểu và biết được Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II ở An Thái Trung, Cái Bè, Tiền Giang đã lai tạo thành công loài cá hô.

Ông liền nhờ người quen đặt mua 1.000 con giống, nhưng cả năm trời chỉ mua được 700 con bé bằng ngón tay cái về nuôi. Cá hô nuôi lớn nhanh, sau 4 tháng nuôi nó đã lớn bằng bắp tay. Hình dáng giống cá chép, nhưng miệng rộng hơn. Nếu nuôi đúng tài liệu hướng dẫn mỗi năm cá sẽ tăng trọng lượng khoảng 3 kg. Ao nuôi cá phải sâu 3m, cá chỉ nổi lên mặt nước ăn vào buổi tối. Thức ăn để nuôi cá cũng dễ kiếm, chủ yếu là thực vật như bèo cám, rau cải xanh, đọt mì, đọt lang, thức ăn cá tra chúng cũng ăn tuốt... Về đầu ra, ông Ba Ưng cho rằng không cần phải bận tâm, vì Trung tâm giống cũng đã cam kết mua lại hết cá thịt với giá thấp nhất là 160.000 đ/kg loại bé; đối với cá trên 1 kg, thì mua từ 180.000 đ/kg trở lên.

Không chỉ ông Ưng mà tại An Giang, được sự tư vấn và hỗ trợ của Cty Cổ phần Nông ngư Quốc tế (IFACO) và CLB Thủy sản FAC, thuộc Hiệp hội thủy sản An Giang, ông Lê Thành Nam, Cồn Bình Thủy, Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang đã thả nuôi 5.000 con cá hô thương phẩm loại 20 con/kg. Đây là cơ sở nuôi cá hô theo mô hình công nghiệp đầu tiên ở ĐBSCL, nguồn thức ăn cho cá hô là từ thức ăn cá tra. Cá hô dễ nuôi, ít bệnh tật và tăng trọng nhanh, chăm sóc tốt mỗi năm cá tăng trọng 2-3 kg và sau 5 năm trọng lượng cá đạt từ 10-12 kg/con.

Thực tế từ lời kể của những tay thợ săn cá hô nổi tiếng nhất vùng Nam bộ ở xã cù lao Bình Thủy, huyện Châu Phú như: Tư Chanh, Út Lành, Bảy Đan, Ba Nghệ, Năm Còn… thì trước giải phóng cá hô còn nhiều lắm, tập trung nhất vẫn là ngã ba sông Vàm Nao với sông Hậu, có con nặng từ năm bảy chục đến cả trăm kg.

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, loài cá này gần như tuyệt chủng, chỉ 2-3 lần bắt được cá hô nhỏ. Ông Trần Hồng Ưng cho biết ở xứ Châu Thành A này vẫn còn một con cá hô nặng gần 30 kg, hiện bà Lê Thanh Tuyết, ở ấp 1B, thị trấn Một Ngàn đang nuôi giữ.   

Ông Châu Minh Chinh, Trưởng phòng tư vấn - kỹ thuật – thương mại thuộc Hiệp hội thủy sản An Giang, cho biết: Hiện tại CLB Thủy Sản FAC đang phối hợp với các đối tác để chuyển giao con giống cá hô, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và cung ứng thức ăn đến người nuôi có nhu cầu. Bình quân cung ứng từ 10.000 – 20.000 con/tháng loại cá 20 con/kg. Ông Chinh cho biết: Đây là loài cá cho giá trị kinh tế rất cao, rất thích hợp với nguồn nước ngọt ở các địa phương vùng ĐBSCL.

Thạc sĩ Thi Thanh Vinh, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ cho biết: Cá hô là loài cá thuộc họ với cá chép nhưng to hơn, từ 5 đến 6 năm tuổi mới trưởng thành và nặng trung bình gần 10 kg. Ở môi trường tự nhiên, cá nặng 20 kg trở lên. Sau 3 năm sưu tầm, lai tạo, thuần chủng cá, đến nay, Trung tâm này đang nuôi giữ 40 con cá hô trưởng thành và đã lai tạo thành công thế hệ cá F1. Bên cạnh đó, Trung tâm đã lai tạo thành công gần 10.000 con cá hô bột được gửi nuôi tại các hộ ở Đồng Nai và cá đang phát triển tốt.