00:00 Số lượt truy cập: 3067837

ĐBSCL: rầy nâu bùng phát trở lại, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gia tăng trên lúa đông xuân 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Ban chỉ đạo phòng chống rây nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VLLXL) các tỉnh phía Nam, trong 8 ngày qua, rầy nâu đã bùng phát trở lại tại đồng bằng sông Cửu Long. Hiện rầy nâu đã phá hại 111.481 ha lúa đông xuân, chiếm 16% diện tích đã gieo sạ, tăng gần 80.000 ha so với thời điểm đầu tháng 12.


Các tỉnh xuất hiện rầy nâu nhiều nhất là Đồng Tháp với 24.093 ha, Sóc Trăng là 22.454 ha, Trà Vinh 16.929ha, Vĩnh Long 15.112 ha. Mật số rầy từ 10 con đến 4.000 con/m2. Riêng bệnh VL,LXL lá đang gây hại 10.917 ha lúa đông xuân, tăng hơn 2.000 ha so thời điểm đầu tháng 12. Nguyên nhân chủ yếu do trong mấy ngày qua, nông dân vùng ĐBSCL bận đối phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 9 nên không thường xuyên thăm đồng. Các địa phương tiếp tục hướng dẫn bà con xử lý triệt để diện tích lúa nhiễm rầy nâu, VLLXL và đã tiêu hủy 559 ha bị nhiễm bệnh nặng. Đối với ruộng nhiễm nặng 2 loại bệnh trên thì ngưng sản xuất lúa và chuyển sang nuôi thủy sản, trồng màu. Trên diện tích 794.000 ha toàn vùng hiện chưa sạ sẽ xuống giống đồng loạt từ ngày 22 đến 30/12 để tránh rầy. Mỗi địa phương chỉ sử dụng từ 4 đến 5 giống chủ lực. Mỗi giống không chiếm quá 40% diện tích. Riêng những giống chất lượng cao dễ nhiễm rầy thì diện tích gieo trồng không quá 10%. Tùy thực tế từng địa phương bị nhiễm sâu bệnh nhiều hay ít, có thể duy trì hoặc tăng diện tích các giống kháng rầy cao, phục hồi sau bệnh nhanh như OM 4498, OM 4495, OM 2718, OM 2517, OMCS 2000, VD 95-20, IR 64, AS 996. Riêng đối với những tỉnh qui hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, các tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng các giống đã được Cục trồng trọt đưa ra gồm IR 64, VND 95-20, OMCS 2000, OM 2517, OM 2718, OM 3536. Ngoài việc cung ứng thêm lúa giống xác nhận cho bà con sản xuất, các tỉnh vận động nông dân sản xuất cùng một loại giống trên từng cánh đồng để dễ diệt sâu bệnh; xử lý hạt giống bằng thuốc Actara hoặc Cruiser để giúp cây lúa khỏe mạnh, ngăn ngừa được bù lạch, rầy nâu giai đoạn đầu; thường xuyên đi thăm đồng. Nếu phải dùng thuốc thì sử dụng các loại thuốc diệt được rầy nhưng đồng thời vẫn bảo vệ thiên địch trên đồng. Trong chăm sóc lúa, tiếp tục áp dụng biện pháp IPM, "3 giảm 3 tăng"./.