00:00 Số lượt truy cập: 3083839

ĐBSCL: 

Được đăng : 03/11/2016
Giá tôm sú đứng ở mức trên 100.000 đồng/kg loại 30 con. Thế nhưng đang có tới 40% diện tích ao nuôi tôm công nghiệp của hàng ngàn hộ dân ở ĐBSCL bị... treo.

Nông dân buồn vì ao tôm công nghiệp thu hoạch không có tôm

Ông Phan Văn Bửu, chủ trang trại nuôi tôm sú công nghiệp rộng 3,5ha, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) nói: “Đã 8 năm theo con tôm sú, 3 năm đầu hốt hàng trăm triệu đồng nhưng đến nay trắng tay do giá tôm bấp bênh, dịch bệnh bùng phát mạnh.

Cuốn sổ đỏ 3,5ha thế chấp ngân hàng không để vay 1,2 tỷ đồng không biết bao giờ mới “chuộc” lại được. Người dân nuôi tôm sú xứ này bây giờ ngán ngẩm lắm, không có tiền đầu tư, tôm nuôi thì dịch bệnh…rất nhiều hộ đổi sang nuôi tôm quảng canh kết hợp nuôi cua biển. Trong số 203 trang trại nuôi tôm công nghiệp ở xã Long Khánh đã có đến 200 trang trại xếp máy quạt nước ôxy".

Duyên Hải có 14.000ha nuôi tôm sú, đến thời điểm này chỉ có 9.900 hộ thả nuôi hơn 750 triệu con tôm giống. Lượng con giống thả nuôi giảm 50%, diện tích thả nuôi giảm hơn 30% và trong đó đã có hơn 45% diện tích thả nuôi bị chết đang ở giai đoạn từ 1,5 đến 2 tháng tuổi. Và điều quan ngại nữa là, nếu như năm 2008 huyện Duyên Hải có 850 trang trại nuôi tôm sú thì sang 2009 này toàn huyện chỉ có khoảng 200 trang trại nuôi tôm hoạt động. Từ hình thức nuôi tôm công nghiệp hiện đại, người dân chuyển dần sang các hình thức nuôi quảng canh cải tiến hay mô hình tôm - rừng nhằm giảm bớt rủi ro.

Không chỉ ở Trà Vinh mà ở Bến Tre, năm nay diện tích nuôi tôm sú thâm canh công nghiệp đã giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do, một số hộ dân nuôi tôm đã hết vốn bỏ ao hoang, một số hộ dân đã chuyển sang làm muối hoặc nuôi các loài thủy sản khác. Trong đó, có 280ha được thả nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng cũng đã có 60,6ha bị thiệt hại do dịch đốm trắng tấn công.

Nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL lâm vào cảnh nợ nần do giá tôm “3 chìm, 7 nổi”. Còn DN chế biến tôm “đói” nguyên liệu, hàng chục ngàn công nhân có việc làm. 

Cái gốc của vấn đề là do nhiều năm qua, giá cả tôm sú bấp bênh, dịch bệnh phát tán mạnh người nuôi thua lỗ nặng. Bên cạnh đó, do cơ chế, chính sách giá XK của con sú thiếu minh bạch, mỗi DN làm một kiểu.

Ở Bạc Liêu, riêng xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, đã giảm 30% diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên tổng diện tích 150ha. Ông Cổ Tân Xuyên, ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh bộc bạch: Nuôi tôm mấy năm qua không hiệu quả nên năm nay quyết định chuyển 2ha nuôi tôm sang làm muối. Làm muối ít đầu tư hơn, nhưng bán được giá. Ông Lê Minh Đầy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết: Nếu cho chuyển đổi từ nuôi tôm sang làm muối thì sẽ có trên 50% diện tích ấp Vĩnh Tiến chuyển sang làm muối. Còn ở Sóc Trăng, huyện Vĩnh Châu là vùng nuôi tôm trọng điểm nhưng năm nay người dân đã phải treo ao khoảng 30% vì hết vốn thả giống.

Theo thống kê của Cục Nuôi trồng thủy sản, đến thời điểm này khu vực ĐBSCL mới thả nuôi được 477.536ha, giảm hơn 38.200ha so với cùng thời điểm năm trước. Đặc biệt, diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp giảm mạnh ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh. Bạc Liêu, địa phương có diện tích nuôi tôm theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp lớn nhất khu vực (10.000ha) đến nay chỉ mới thả giống khoảng 2.400ha. Cà Mau thả giống gần 1.000/3.000ha, Sóc Trăng thả nuôi hơn 1.000/5.000ha và Trà Vinh thả giống hơn 2.600/8.500ha.

Trong khi nông dân chúng tôi đang tìm mọi cách để giảm chi phí giá thành nuôi 1 kg tôm thành phẩm để có được lợi nhuận cao nhất, thế nhưng việc giá điện tăng lên sẽ làm cho nông dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn, khi giá điện tăng thì chi phí điện để chạy quạt máy nuôi tôm tăng lên từ 1,6 - 1,7 triệu đồng/tháng/ha, tăng khoảng 30% so với khi chưa tăng giá điện.

Cái khó của chúng tôi trong vụ nuôi tôm năm 2009 này trước mắt là chi phí về điện sản xuất tăng lên làm đội chi phí giá thành lên khi nuôi được 1 kg tôm thương phẩm, chi phí thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học, giá nhân công…đều ở mức cao, trong khi giá tôm nguyên liệu không ổn định, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu trong thời gian tới ra sao?

(Ông Nguyễn Văn Phùng- chủ trang trại nuôi tôm sú công nghiệp ở ấp Giồng Dài, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang-Trà Vinh)