00:00 Số lượt truy cập: 3049115

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - Hàng chục ngàn hecta tôm sú bị thiệt hại 

Được đăng : 03/11/2016
Tuy mới bước vào đầu vụ nuôi tôm sú năm 2008 nhưng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có hàng chục ngàn ha nuôi tôm sú bị thiệt hại.

Tại Cà Mau, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 13% diện tích thả nuôi (tương đương 33.837 ha) có tôm bị chết với mức độ thiệt hại 60 – 70%.

Còn ở Sóc Trăng, trong tổng số 3.100 ha tôm thả sớm nằm rải rác ở tất cả các vùng nuôi tôm của tỉnh, đã có khoảng 400 ha-500 ha tôm bị chết. Chỉ tính từ đầu tháng 3-2008 đến nay, Bạc Liêu cũng có hơn 200 ha nuôi tôm bị thiệt hại. Trong đó, có gần 50 ha tôm công nghiệp - bán công nghiệp có tỉ lệ tôm chết từ 50-70%, tập trung ở thị xã Bạc Liêu, các huyện Vĩnh Lợi và Đông Hải; hơn 150 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến có tỉ lệ tôm chết khoảng 50%, tập trung ở huyện Giá Rai và Đông Hải.

Riêng tỉnh Kiên Giang, cũng có đến gần 3.000 ha tôm sú ở huyện Vĩnh Thuận bị chết. Ở hai huyện An Minh và An Biên thuộc vùng U Minh Thượng, tình trạng tôm mới thả nuôi bị chết cũng liên tiếp xảy ra, diện tích thiệt hại lên khoảng 6.000 ha.

Nguyên nhân tôm sú chết là do người nuôi không tuân thủ lịch thả nuôi; ngoài ra, thời tiết ngày nóng, đêm lạnh, mưa trái mùa cũng gây sốc cho tôm.

Điều đáng lưu ý nhất là ở phần lớn các diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, người nuôi mua tôm giống không rõ nguồn gốc; khi phát hiện tôm bị bệnh lại xả nước ao nuôi, tạo điều kiện cho bệnh lây lan ra vùng khác.

Ngành thủy sản các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... đang tích cực vận động người nuôi tôm khoanh vùng tôm bị thiệt hại, không xả nước ra môi trường để dịch bệnh không lây lan; cải tạo lại ao nuôi đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt lịch thả nuôi và thả tôm với mật độ thưa...