Được Bộ NN- PTNT cho phép triển khai thử nghiệm sản xuất tôm thẻ chân trắng, những năm qua Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III (Viện III) đã lai tạo đàn tôm F1 có nguồn gốc từ Hawaii và bước đầu tạo ra được con giống chất lượng cao với tên gọi F1-V3-VN. Ông Trương Hà Phương, GĐTT Quốc gia giống hải sản miền Trung thuộc Viện III cho biết: Từ giống tôm chân trắng bố mẹ nhập về của Viện Hải dương học Hawaii, sau khi nuôi thuần hoá chúng tôi cho lai chéo giữa các cặp tôm bố mẹ này, qua nhiều lần tuyển chọn đã tạo ra giống tôm chân trắng có tên gọi F1-V3-VN.
Theo ông Phương, giống tôm mới này có khả năng sinh sản ở điều kiện miền Trung tương đối ổn định, mỗi lần đẻ từ 200.000 – 230.000 trứng, trong khi đó tôm nhập trực tiếp từ Hawaii đẻ từ 170.000 – 190.000 trứng, tỷ lệ nở và tỷ lệ thụ tinh của tôm F1-V3-VN cũng cao hơn so với đối chứng. Không chỉ vậy, thời gian đẻ lần đầu sau khi cắt mắt của giống tôm cũng sớm hơn. Thời gian qua Viên III đã tạo ra được 6.000 cặp tôm bố mẹ F1-V3-VN, tuy nhiên chỉ cho 2.850 cặp sinh sản tại các Trung tâm giống của Viện III, sản xuất được 1,831 tỷ nauplius (giai đoạn sau trứng nở) nhưng chỉ thả nuôi 102 triệu nauplius.
Theo dõi cho thấy, tỷ lệ sống của tôm qua thời gian nuôi thành thục và cho đẻ của tôm đạt 93,3%. Đặc biệt các mẫu kiểm dịch giống tôm F1-V3-VN đều không có dấu hiệu bị nhiễm 6 loại bệnh TSV, WSSV, MBV, IHV, BP, IHBMV. Trong khi đó giá thành của tôm giống F1-V3-VN chỉ bằng 50% so với tôm nhập từ Thái Lan và bằng 30% so với tôm giống bố mẹ nhập trực tiếp từ Hawaii. Từ nguồn tôm giống F1-V3-VN cho sinh sản thành công, Viện III đã triển khai nuôi thử nghiệm tại 24 hộ ở các tỉnh miền Trung có diện tích 27,2ha với 59 ao nuôi, lượng tôm chân trắng thả là 34,1 triệu con. Đến nay, toàn bộ diện tích tôm F1-V3-VN nuôi thử nghiệm đều thu hoạch.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên tôm chân trắng rất phức tạp tại các tỉnh miền Trung nhưng trong số 59 ao nuôi tôm F1-V3-VN thì có 54 ao nuôi không phát hiện bệnh, chiếm 89,25%, các ao còn lại có nhiễm và được xác định là do yếu tố môi trường. Thời gian nuôi thử nghiệm từ ngày thả giống đến khi thu hoạch tại các mô hình là 78 ngày, kích cỡ tôm khi thu hoạch đạt 99con/kg, hệ số thức ăn bình quân của các mô hình là 1,11. Năng suất bình quân khoảng 11 tấn/ha, lãi bình quân của các mô hình là 150 triệu đồng/ha. Với những kết quả ban đầu, Viện III kiến nghị Bộ cho phép phát triển đàn tôm chân trắng bố mẹ F1-V3-VN thành sản phẩm hàng hoá phục vụ cho nghề nuôi tôm chân trắng tại Việt Nam.
Tuy nhiên đại diện Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản Khánh Hoà đánh giá: Giống tôm của Viện III lai tạo ra mới đưa vào sản xuất thử nghiệm 1 vụ, mô hình làm thử nghiệm nuôi thương phẩm lại không có đối chứng với các giống tôm khác. Do vậy để có kết quả chính xác và có giống tốt đề nghị Viện III tiếp tục khảo nghiệm. Ông Lê Viễn Trí, Vụ phó Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản (Tổng cục Thủy sản): Việc tạo đàn và cho sinh sản thành công giống tôm F1-V3-VN của Viện III là điều hết sức phấn khởi, với khả năng sinh sản, tỷ lệ nở cao và tỷ lệ sống cao hơn giống tôm bố mẹ nhập từ Hawaii mà giá thành con giống lại thấp sẽ giúp chúng ta chủ động được nguồn giống trong nước. Tuy nhiên, đề nghị Viện III tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn thiện quy trình kỹ thuật. "Bộ NN- PTNT đặc biệt quan tâm đến đối tượng thuỷ sản trọng tâm, trong đó có tôm thẻ chân trắng với hướng phát triển là chất lượng cao, sạch bệnh. Tôi yêu cầu Viện III phải nghiên cứu lai tạo các giống thuỷ sản nói chung và tôm chân trắng nói riêng ngoài năng suất, chất lượng thì phải kháng được dịch bệnh" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu.
Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá cao công trình nghiên cứu lai tạo giống tôm chân trắng F1-V3-VN, vì đây là công trình nội lực của Viện III mà không xin kinh phí Nhà nước. Kết quả thành công bước đầu của giống tôm F1-V3-VN cho thấy có thể đáp ứng cho sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên để được công nhận giống thì còn nhiều việc phải làm. Thứ trưởng chỉ đạo Viện III phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống thuỷ sản quốc gia triển khai nhanh nuôi thử nghiệm các mô hình để có các bước đánh giá tiếp theo.