Việt Nam được công nhận là một nước có tính đa dạng sinh học (ÐDSH) cao với 13.973 loài thực vật, trong đó có 2.393 loài thực vật bậc thấp và hơn 21 nghìn loài động vật có xương sống và không xương sống phân bố trên đất liền, trong các vùng đất ngập nước kể cả vùng biển.
Bên cạnh đó, sự phong phú về loài trong tự nhiên đã tạo điều kiện cho nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển với hàng nghìn loài cây được gieo trồng.
Chính nguồn tài nguyên đa dạng này có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của 54 dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đồng thời là cơ sở cho chương trình an ninh lương thực, là ngân hàng gien tự nhiên vô cùng quý, tạo điều kiện cho việc tuyển chọn các giống loài có khả năng thích ứng với các điều kiện khí hậu khác nhau.
Sự đa dạng về các nguồn gien động vật, thực vật, vi sinh vật không chỉ có ý nghĩa làm phong phú các bậc phân loài hoặc giữa chúng với hệ sinh thái (HST), mà còn ẩn chứa mối quan hệ diệu kỳ giữa con người với HST.
Nhờ có sự đa dạng về giống loài trong thiên nhiên đã tạo điều kiện cho sự hiểu biết, khai thác, sử dụng một cách bền vững các nguồn TNTN, nhằm hướng tới sự thịnh vượng trong cuộc sống, trong an ninh lương thực, an toàn sinh thái, sự văn minh trong quan hệ giữa con người với các loài sinh vật và môi trường.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, các tiến bộ mới trong công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và trong kỹ nghệ sinh thái... sẽ là kỳ vọng tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, năng suất cao, đồng thời cũng sẽ tạo ra hàng triệu việc làm trong các trang trại, các hộ gia đình ở các làng bản trên các vùng sinh thái khác nhau, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh trong phát triển xã hội.
ÐDSH với tri thức truyền thống kết hợp với tri thức hiện đại, sẽ tạo ra cơ hội để chuyển đổi hỗn hợp từ một nền nông nghiệp tự cung, tự cấp sang một nền nông nghiệp hàng hóa. Chuyển đổi từ một vùng nông thôn kém phát triển sang vùng nông thôn năng động và phát triển: biết áp dụng những tiến bộ về thâm canh, tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần làm tăng sản lượng lương thực, thực phẩm; hình thành hàng trăm nghìn các trang trại ở các vùng nông thôn, miền núi, sản xuất đã gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam hiện nay đã quan tâm việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ - thuật như sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao. Cùng với quá trình đô thị hóa đang phát triển ở nhiều vùng, các làng nghề truyền thống cũng được khôi phục và phát triển theo hướng đi mới...
Sự chuyển biến từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế tiểu thủ công nghiệp dựa trên cơ sở các tài nguyên ÐDSH và các nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương, là chuyển biến từ kinh tế hiểu biết truyền thống sang một nền kinh tế tri thức hiện đại, một sự chuyển đổi từ nền sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc sang một nền sản xuất hàng hóa dựa vào trí tuệ của con người, của cộng đồng. Sự chuyển biến đó đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở các vùng nông thôn, làm tiền đề xây dựng một xã hội thịnh vượng.
Trong những thập kỷ gần đây, một số địa phương đã khắc phục tình trạng đói nghèo, kém phát triển, vươn lên làm giàu, bước vào ngưỡng cửa của sự thịnh vượng. Chẳng hạn, Sơn La (thuộc vùng Tây Bắc) đã nhận thức tốt về vai trò và tầm quan trọng của ÐDSH đối với quá trình phấn đấu từ một tỉnh nghèo lạc hậu tới mục tiêu phát triển thịnh vượng của tỉnh. Cụ thể, sản xuất lương thực theo quan điểm sản xuất hàng hóa, chú trọng thâm canh tăng vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cho nên tình trạng đốt nương làm rẫy giảm từ 24,997 ha (1995) xuống còn 14,928 ha (2004), nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng cao từ 145.016 tấn/năm (1995) lên 243.895 tấn/năm (2000) và 352.540 tấn/năm (2006). Diện tích cây công nghiệp gắn với chế biến từ 4.544 ha (1995) lên 10.860 ha (2006), trong đó chè 4.460 ha, cà phê 2.900 ha và mía 3.500 ha.
Tại vùng Ðông Bắc, lấy Thái Nguyên, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Cao Bằng làm thí dụ, các dạng tài nguyên ÐDSH, các HST ở đây rất đa dạng, độc đáo. Vùng Ðông Bắc có 40 dân tộc anh em chung sống, là cái nôi của dân tộc, là nơi từng xuất hiện nhà nước Việt cổ Văn Lang và Âu lạc. Những giá trị văn hóa, lịch sử kết hợp phong cảnh tự nhiên như: vịnh Hạ Long, động Tam Thanh, Nhị Thanh, núi Tam Ðảo, Tân Trào, hồ Ba Bể, núi Cốc... đã trở thành tiềm năng lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Các nguồn tài nguyên cùng với giá trị thiên nhiên to lớn nói chung và ÐDSH nói riêng là nền tảng cực kỳ quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển của các vùng nông thôn, miền núi Việt Nam. Nếu chúng ta biết coi trọng, kết hợp hài hòa giữ tri thức truyền thống với tri thức hiện đại trong việc bảo tồn, phát triển bền vững ÐDSH trong các HST tự nhiên, HST nhân tạo thì nhất định sẽ thực hiện được mục tiêu ÐDSH và sự thịnh vượng.
Nhưng ngược lại, nếu các hoạt động của con người thiếu tri thức, hiểu biết thì ÐDSH ở từng vùng sinh thái nói riêng và cả nước nói chung sẽ mất. Vì vậy, việc cộng đồng quyết tâm bảo tồn, phát triển hợp lý ÐDSH của Việt Nam sẽ là nền tảng hướng tới sự phát triển của dân tộc, của đất nước.