00:00 Số lượt truy cập: 2669183

Đặc điểm sinh học của sán lá gan ở trâu, bò 

Được đăng : 03/11/2016

1. Phân bố

Bệnh sán lá gan là một bệnh rất phổ biến ở trâu, bò, dê, cừu ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á, châu Phi nóng ẩm.

Ở nước ta, bệnh được phát hiện ở khắp các tỉnh từ Bắc đến Nam. Tỷ lệ trâu, bò nhiễm bệnh ở miền núi là 30 - 35%. Vùng đồng bằng và trung du, trâu, bò nhiễm cao hơn: 40 - 70%. Các cơ sở chăn nuôi bò tập trung và bò sữa, tỷ lệ nhiễm 28 - 30%.


2. Đặc điểm sinh học của sán

Hình thái

Có 2 loài sán lá gan ký sinh gây bệnh cho trâu, bò và súc vật nhai lại.

- Sán Fasciola gigantica: Hình mũi mác mầu hồng; kích thước 25-75 ´ 12mm, dầy 2-3mm; có 2 giác bám: giác miệng và giác bụng; trứng hình giống trứng vịt, kích thước: 156 - 197 ´ 90 - 104mm, có màu vàng rơm hoặc xanh vàng.

- Sán Fasciola hepatica: Hình dạng và mầu sắc giống loài trên; nhưng ngắn hơn và nhỏ hơn, hai bên đầu có hai vai phình rộng ra: kích thước: 30 - 15mm; trứng cũng giống trứng của loài trên nhưng có kích thước: 130-150 ´ 65-90mm.

Vòng đời

Sán lá trưởng thành sống trong các ống dẫn mật và túi mật của gan, đẻ trứng ở đó. Trứng theo ống dẫn mật về ruột rồi thải ra ngoài theo phân. Trứng gặp các điều kiện thuận lợi: nóng ẩm sẽ trở thành mao ấu (miracidium), di chuyển được trong nước ao hồ. Mao ấu tìm và chui vào cơ thể ký chủ trung gian là hai loài ốc nhỏ, không có nắp sống phổ biến ở hồ ao, ruộng trũng: Limnaea viridis Limanaea swinhoei. Trong ốc, mao ấu phát triển thành bào ấu (Sporocys), Redi I và Redi II, rồi thành vĩ ấu (Cercaria) và chui ra khỏi ốc. Vĩ ấu ra ngoài tự nhiên, rụng đuôi, biến thành "kén" (metacercaria), tức là ấu trùng cảm nhiễm. Từ trứng phát triển thành kén cần khoảng 3 tháng.

Kén trôi nổi trên mặt nước bám vào các loài cây thủy sinh. Trâu, bò ăn phải thức ăn và nước uống có kén sẽ nhiễm sán lá gan. Vào cơ thể ký chủ, kén nở thành sán non và đi ngược theo ống dẫn mật về mật và gan, ở lại đó phát triển đến giai đoạn trưởng thành mất khoảng 3 tháng.

3. Dịch tễ học

- Bệnh sán lá gan là bệnh chung của hầu hết các loài thú, đặc biệt là các loài thú nhai lại và cả người. Trâu, bò bị nhiễm bệnh ở tất cả các lứa tuổi. Bê nghé non bị bội nhiễm sẽ phát bệnh ở thể cấp tính. Bò sữa và bò thịt nhập nội thường bị bệnh nặng và chết nhiều hơn trâu, bò nội.

- Ở nước ta, đàn trâu, bò bị nhiễm sán lá gan quanh năm. Bởi vì thời tiết ấm áp và ẩm ướt trên mặt đất làm cho ốc ký sinh chủ Limnaea spp. phát triển làm môi giới truyền mầm bệnh cho đàn trâu, bò suốt 12 tháng trong năm. Có hai loại ốc ký chủ trung gian là Limnaea viridis Limnaea swinhoei ở các ruộng nước và thuỷ vực ở nước ta.

Tại các cơ sở nuôi bò sữa, tỷ lệ nhiễm sán của bò sữa từ 28 - 30%.

- Trâu, bò nhiễm sán khi gặp các điều kiện không thuận lợi vào vụ đông xuân (như làm việc nặng, thời tiết lạnh, thiếu thức ăn xanh) sẽ phát bệnh hàng loạt và chết, đôi khi tưởng là một bệnh truyền nhiễm./.