00:00 Số lượt truy cập: 3065595

Đại dịch cúm gia cầm ngày càng nguy hiểm 

Được đăng : 03/11/2016
“Cúm gia cầm là một đại dịch, nó diễn biến rất phức tạp, nó có thể lây từ người sang người, trong khi các nghiên cứu khoa học vẫn chưa kiểm soát được” - Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống dịch cúm gia cầm 2006 và triển khai kế hoạch 2007.



Không có vùng dịch an toàn

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm Cao Đức Phát cho biết, đến nay, nước ta đã trải qua 5 đợt dịch. Đợt mới đây nhất bắt đầu từ cuối tháng 12/2006 đến nay, đã làm gần 90.000 thuỷ cầm và 12.000 gà mắc bệnh.

“Trước đây ta vẫn chủ quan cho rằng dịch chỉ xảy ra ở khu đông dân cư, gần đường giao thông. Nhưng những ổ dịch lẻ tẻ được phát hiện tại đồng bằng sông Cửu Long cho thấy virus cúm tồn tại khắp nơi, không vùng nào là an toàn” - ông Phát cảnh báo.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau thừa nhận, cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh này vẫn không thể có mạng lưới thú y cơ sở nên việc phát hiện và kiểm soát dịch vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là do nhà nước chưa có chế độ thích hợp đối với cán bộ thú y cấp thôn, ấp - đội ngũ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giám sát tiêm phòng và phát hiện dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Xuân Cường đề xuất: Cần có giải pháp để chủ động nguồn vắc-xin cho các địa phương. Khi đã có vắc-xin, địa phương nào không mua, không tiêm phòng thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Xây dựng các phòng chẩn đoán, xét nghiệm thật mạnh cho thú y tỉnh để chủ động phòng chống dịch.

Đại dịch ở người hoàn toàn có thể xảy ra

Theo Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng, nguyên nhân khiến dịch bùng phát trở lại vẫn là do sự chủ quan, lơ là của người dân và chính quyền các cấp; công tác tiêm phòng không triệt để; chưa kiểm soát được khâu vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép... Đặc biệt, nhiều địa phương đã không coi trọng công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm.

Bộ trưởng Cao Đức Phát bức xúc: “Gà ngủ trên cây, trâu bò thả rông trong rừng, trâu bò nuôi ngay cạnh nhà, thậm chí người một phòng, trâu bò một phòng. Có địa phương huy động 70 người mới bắt được 30 con gà trong một ngày để tiêm phòng thì không thể chống dịch tốt được”.

Trong khi đó, theo thông báo từ Bộ Y tế, nguy cơ lây lan cúm gia cầm sang người vẫn rất lớn. Hiện nay, nước bạn Lào đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A H5N1 ở người vào ngày 4/3/2007. Một số quốc gia châu Á vẫn chưa khống chế được dịch cúm trên gia cầm và trên người. Đáng chú ý, kết quả giám sát trọng điểm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho thấy, các chủng virus cúm gây bệnh khác nhau vẫn lưu hành rộng rãi trong cộng đồng. Nguy cơ đột biến và tái tổ hợp của virus cúm A H5N1 tạo ra chủng mới gây đại dịch trên người là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đứng trước tình hình này, Bộ Y tế yêu cầu các ban ngành khác như Hải quan, Thương mại… tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm tại các địa phương trên cả nước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các địa phương chấm dứt tư tưởng chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, tập trung vào việc tiêm phòng dịch. Hiện nay Bộ NN&PTNT đã nhập về 10 triệu liều vắc-xin, sau ngày 23/3 sẽ nhập tiếp 120 triệu liều và bổ sung thêm 100 nghìn liều vào đầu tháng 4.

Ngoài việc tập trung tiêm phòng cho đàn gia cầm, Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương vận động nhân dân thay đổi tập quán chăn nuôi, giết mổ gia cầm bừa bãi, nhỏ lẻ.