Giữa lòng thị xã Gia Nghĩa có một khu đất rộng rãi đầy tiềm năng để tạo một khu trang trại khép kín. Nằm cách Trung tâm chợ thị xã Gia nghĩa chỉ khoảng 2km về phía Nam, men theo con đường từ ngã tư Hồ Vịt chạy thẳng lên khu đồi pháo là trang trại của ông Đặng Văn Bé. Khu trang trại này là tâm huyết nhiều năm của ông, từ một người làm kinh doanh trở thành một ông chủ chủ trang trại Vườn- Ao- Chuồng- đam mê gắn bó với ruộng vườn, chăn nuôi. Cách đây 3 năm ông đã bỏ số tiền lớn 1,6 tỷ đồng mua lại khu đất rộng 4,5ha để cải tạo thành khu trồng trọt chăn nuôi khép kín. Khu đất và ao ban đầu do chủ cũ bỏ hoang gần như không có thu hoạch, cỏ gai mọc khắp nơi, ai nhìn vào cũng ái ngại. Nhờ sự kiên trì tâm huyết và cần cù lao động, ông đã cải tạo thành vườn cà phê xanh tốt cho năng suất cao, khu đất xình cỏ gai đã trở thành ao nuôi cá, trên bờ trồng cây ăn trái. Việc chăn nuôi gà đã được ông thiết kế khoa học ở một khu đất trên cao và thoáng mát, dùng vỏ cà phê làm chất độn chuồng vừa là để làm phân bón cho cây trồng. Sau 2 năm xây dựng cơ bản, làm đường và xây ao hồ, vực lại vườn cây, đến bây giờ mới bắt đầu có những khoản thu hoạch nhất định.
Cách đầu tư của ông là lấy ngắn nuôi dài, năm đầu tiên ông đầu tư chăm sóc vườn cà phê, trồng dặm, phát quang những cây điều trồng xen trong vườn cà phê, bón phân tỉa cảnh để có thu hoạch ngay. Khi vườn cây đã có thu hoạch ông đầu từ chăn nuôi gà, vì đây là đối tượng nhanh cho thu hoạch. Ông nuôi hàng ngàn con gà ta, gà lai chọi bán được giá cao, mỗi lứa xuất hàng tấn gà. Nuôi gà chỉ mất 4-5 tháng là được thu hoạch, nguồn vốn có được ông tiếp tục đầu tư cải tạo ao hồ để thả nuôi cá. Ông nói: "Nuôi cá là điều ông tâm đắc nhất, mục tiêu là xây dựng trang trại thành khu du lịch sinh thái và câu cá giải trí, nhưng chi phí đào ao và nuôi cá rất cao nên phải biết lấy ngắn nuôi dài để từ từ hình thành nên". Đến nay, ông đã xây dựng được khu nuôi thủy sản với 3 ao, có ao rộng trên 3.000m2 . Tháng 3/2014, ông đã thả nuôi cá rô đầu vuông với 300kg cá giống khoảng 100.000 con, một ao thả cá trắm, cá chép 200kg, ao còn lại ông thả nuôi chạch bùn, đây là loài cá đặc sản có sức sống mạnh mẽ chống chịu tốt với môi trường ô nhiễm. Trên bờ ao, ông trồng các loại cây ăn trái như xoài, măng cụt, chanh không hạt, ổi lai lê... Với cái nhìn táo bạo, ông là một nông dân dám nghĩ dám làm, đi đầu trong việc thử nghiệm những loài cá mới tại địa phương. Hai năm trước kế hoạch chỉ trên giấy tờ nhưng đến nay đã thành hiện thực.
Năm nay ông chỉ nuôi một vụ cá rô đầu vuông trong 4 tháng, dự kiến thu hoạch được khoảng 14 tấn, bán được 420 triệu đồng, chi phí 276 triệu đồng (giống, thức ăn, công chăm sóc...), lợi nhuận 144 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận là 52%. Còn cá chép và cá trắm cỏ dự tính thu được 5 tấn bán, bán được 225 triệu đồng, chi phí 110 triệu đồng, lợi nhuận 115 triệu đồng. Riêng cá chạch bùn ông chưa tính được vì đây là đối tượng đặc sản nuôi thử nghiệm.
Thu nhập từ gà, cứ 4 tháng thu được 1 tấn gà, một năm xuất chuồng 2 lứa, bán với giá trung bình 80.000 đồng/kg thu được 160 triệu đồng, chi phí 90 triệu đồng (thức ăn, công chăm sóc, vacxin, thuốc thú y...), lợi nhuận 70 triệu đồng.
Với vườn cây cà phê hiện nay 1 năm thu hoạch 6 tấn cà phê nhân bán với giá trung bình 35 nghìn đồng/kg thu được 210 triệu đồng. đầu tư 136 triệu (phân bón, thuê nhân công...), lợi nhuận 74 triệu đồng.
Tổng thu nhập một năm của trang trại là 1,015 tỷ đồng. Tổng chi phí 612 triệu đồng. Lợi nhuận 1 năm trung bình là 403 triệu đồng. Trang trại của ông Đặng Văn Bé đang là điển hình kinh tế kết hợp vườn- ao- chuồng thành công và cần được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền để giúp mô hình ngày một phát triển và có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Việc sản xuất chăn nuôi tuy cho thu nhập cao nhưng vẫn chưa có hướng phát triển bền vững vì chủ trang trại vẫn chưa chú trọng đến công tác môi trường và đầu tư vào những biện pháp chăn nuôi mang tính bền vững. Việc tham gia vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được chủ trang trại tán thành vì những bất cập về việc quản lý và kinh doanh các sản phẩm an toàn. Những trang trại bỏ vốn rất lớn đầu tư nhà lưới để sản xuất ra những sản phẩm an toàn nhưng chưa được đại đa số người tiêu dùng chọn lựa vì giá cả không cạnh tranh. Muốn tháo bỏ ràng buộc đó cần phải thay đổi nhận thức của người nông dân thông qua hiệu quả kinh tế bền vững của các mô hình VietGAP. Khi người dân hiểu được việc sản xuất phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, kết hợp được nhiều người trong cộng đồng cùng sản xuất những sản phẩm an toàn thì giá thành sản xuất sẽ giảm, giá bán phải “bình dân” để mọi người dân có thể chấp nhận được. Cần nhân rộng các hoạt động sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao để giúp cho người nông dân có thu nhập cao hơn, an toàn và bền vững.
Nguyễn Kim Thành-Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Đắk Nông