00:00 Số lượt truy cập: 2997723

Đam mê với rắn ráo trâu 

Được đăng : 03/11/2016
Từ một giảng viên trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Bá Cừ (1980) ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú (Đồng Phú, Bình Phước) đã từ bỏ công việc nhiều người mơ ước với thu nhập ổn định để mạo hiểm về quê nuôi rắn. “Nhiều người nói tôi theo đuổi trò may rủi. Nhưng nhờ có niềm đam mê, chấp nhận thử thách, giờ tôi đã thành công” - anh Cừ chia sẻ.

Bỏ giảng đường đại học để theo đuổi... rắn

Anh Cừ cho biết: “Nuôi rắn phải hiểu rõ thói quen, theo dõi từng giai đoạn phát triển để có chế độ chăm sóc hợp lý thì rắn mới mau lớn, trọng lượng đều và ít bệnh”.

Từ thích anh Nguyễn Bá Cừ đã duyên nợ cùng rắn ráo trâu - Nuôi rắn ráo trâu, hàng năm anh Cừ thu về khoảng 200 triệu đồng. Rắn và trứng rắn ráo trâu (ảnh nhỏ)

Năm 2011, trong một lần về quê chơi, anh Cừ mua được con rắn ráo trâu. Ý định ban đầu là sẽ đãi bạn bè một bữa nhậu. Trong thời gian nhốt chờ thịt, thấy rắn hiền, dễ nuôi, thức ăn lại đơn giản nên anh Cừ lên mạng tìm hiểu thông tin và đam mê với rắn ráo trâu lúc nào không biết. Anh xin nghỉ dạy tại trường đại học để về quê mở trang trại nuôi rắn.

Theo anh Cừ, Bình Phước có khí hậu thuận lợi và nguồn thức ăn dồi dào thích hợp để nuôi rắn ráo trâu. Thức ăn chính của rắn ráo trâu là ếch, nhái, chuột, gà, nhưng anh Cừ cho rắn ăn cổ và đầu gà vì giá rẻ, dễ mua. Thỉnh thoảng anh thay đổi khẩu phần và chia thành nhiều bữa nhỏ để rắn ăn nhiều và không chán. 1 con rắn tiêu thụ thức ăn bằng 1/10 trọng lượng cơ thể. Lượng thức ăn cũng tăng dần theo tuổi. Đặc biệt, 1 tháng nên cho rắn bố mẹ ăn thịt cóc một lần để cứng xương và giải độc tố. Hiện đang là mùa mưa nên anh Cừ thu mua ếch, nhái của người dân quanh vùng bỏ trong tủ đông lạnh để dự trữ cho mùa khô khi thức ăn khan hiếm.

Từ 12 con rắn bố mẹ gây giống ban đầu, đến nay, trang trại của gia đình anh Cừ đã có hơn 200 con rắn các loại. Trọng lượng rắn bình quân khoảng 1,3 - 1,5kg/con là có thể xuất bán. Hiện giá rắn trên thị trường dao động 500 - 650 ngàn đồng/kg. Trứng có giá 50 ngàn đồng/quả, thời điểm khan hiếm lên tới 160 ngàn đồng/quả. Giá rắn con (1 tuần tuổi) là 150 ngàn đồng/con. Trừ chi phí, mỗi năm anh Cừ thu về khoảng 200 triệu đồng từ bán trứng, rắn giống và rắn thịt.

Thành công với rắn ráo trâu

Trang trại của gia đình anh Cừ hiện có 20 chuồng rắn nhỏ và 10 chuồng rắn to. “Với rắn bố mẹ, mỗi chuồng thả 35 con theo tỷ lệ 5 cái, 2 đực. Không nên thả quá nhiều, rắn không có không gian hoạt động và tranh giành thức ăn lẫn nhau. Chuồng nuôi phải thông thoáng, rộng 1,5 - 2m, cao 1,7m. Trên nắp chuồng làm bằng lưới để khi rắn lột da dễ lấy ánh sáng mặt trời cho khô da. Dưới nền chuồng nên rải một lớp đất tổ mối khô vì loại đất này rất mát, hợp với loài rắn và dễ thu dọn phân” - anh Cừ chia sẻ kinh nghiệm.

Rắn ráo trâu dễ nuôi, đẻ 2 lứa/năm, thường đẻ vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch. Sau khi giao phối 40 ngày thì rắn đẻ. Theo kinh nghiệm của anh Cừ, khi rắn đẻ trứng 3 ngày có thể phân biệt rắn đực, rắn cái bằng cách soi đèn pin. Trứng nào xuất hiện nhiều mạch máu là đực, ít là cái. Rắn đẻ lứa đầu 11 - 13 trứng, lứa sau 15 - 22 trứng. Trước khi ấp cho một lớp đất vào lu sành nén chặt, lớp trên rải lớp cát ẩm, sau đó xếp trứng lên trên, đậy cẩn thận 75 ngày sau thì trứng nở.

Anh Cừ cho biết thêm: “Rắn ráo trâu rất ít bệnh. Người nuôi cần có sổ theo dõi từng cặp rắn trong thời gian giao phối để có cách chăm sóc phù hợp”.

Hiện trại rắn của anh Cừ đã được Chi cục Kiểm lâm huyện Đồng Phú cấp giấy chứng nhận đăng ký “Trại gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã”. Vì vậy, việc mua bán, vận chuyển rắn ráo trâu của gia đình anh Cừ được giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.

Rắn ráo trâu thuộc loài rắn hổ, tên khoa học là Ptyas Mucosus, nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Tùy theo từng vùng, miền mà rắn ráo trâu còn có tên gọi khác là rắn long thừa, hổ hèo, ráo trâu hay hổ trâu. Rất nhiều tên gọi nhưng tên chung của loài rắn này là hổ vện vì trên mình rắn có nhiều vằn vện. Loài rắn này không độc, có nhiều công dụng trong y học…

Ngân Hà