00:00 Số lượt truy cập: 2996111

Dân nuôi cá tra 'ngồi trên lửa'... 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện giá cá tra nguyên liệu ở TP Cần Thơ chỉ còn 13.800-14.000 đồng/kg (trung tuần tháng 2-2008, giá cá tra đã lên tới mức 15.000-15.200 đồng/kg, nhưng sau đó lại giảm mạnh trở lại). Giá cá giảm thảm hại, trong khi đó giá các loại thức ăn cho cá cứ liên tục tăng cao làm cho người nuôi cá tra lâm cảnh thua lỗ. Nhiều ngân hàng trước đây cho người nuôi cá tra vay vốn nay cũng đang “thắt chặt”, khiến nhiều người nuôi cá tra càng khốn đốn hơn.

Lỗ nặng!

Theo nhiều người nuôi cá tra ở huyện Thốt Nốt (vùng nuôi cá tra tập trung của TP Cần Thơ), hiện nhiều loại thức ăn công nghiệp (độ đạm 26%) đang ở mức giá 8.700-8.800 đồng/kg, trong khi cách nay hơn 1 tháng chỉ 7.200-7.500 đồng/kg. Các loại nguyên liệu sử dụng làm thức ăn tự chế cho cá tra cũng tăng mạnh. Các loại phụ phẩm (đầu cá, cá biển...) để xay cho cá ăn đang có giá 5.500-6.000 đồng/kg (tăng hơn 3.000 đồng/kg so với trước), còn cám lên đến 4.400-4.500 đồng/kg, đậu nành 9.500-9.600 đồng/kg...

Giá các loại thức ăn cho cá tăng mạnh nên chi phí nuôi cá tra cũng đã tăng cao. Hiện nay, nếu nuôi cá tra bằng thức ăn công nghiệp thì chi phí phải ở mức 15.500 đồng/kg, còn nuôi bằng thức ăn tự chế cũng tới 15.000 đồng/kg. Nhưng hầu hết người nuôi cá tra không có đủ nguồn vốn và phải vay ngân hàng và vay “nóng” bên ngoài, làm chi phí nuôi đội lên thêm khoảng 500 đồng/kg do trả thêm tiền lãi. Với giá cá tra chỉ được 13.800-14.000 đồng/kg, nếu bán ở thời điểm hiện tại xem như lỗ nặng.

Anh Lê Phú Hải (ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt) cho biết: “Hầm cá của tôi dự kiến thu hoạch trên 60 tấn cá và đã gần đến lứa xuất bán. Giá cá đang ở mức thấp làm tôi rất lo. Hầm cá này tôi đã đầu tư vô gần 1 tỉ bạc, trong đó vốn vay ngân hàng 150 triệu đồng và vốn nhà khoảng 100 triệu đồng, còn lại là vốn vay bên ngoài lãi suất cao. Với giá hiện tại, nếu bán cá chắc sẽ sạt nghiệp, lỗ ít gì cũng khoảng 200 triệu đồng (tính luôn tiền lãi vốn vay). Hiện nay tôi chỉ còn biết hy vọng giá cá tăng trở lại”.

Cầm cự “trên đống lửa” !

Theo nhiều người nuôi cá tra ở ấp Thới Bình A, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, trong các năm trước, chỉ cần bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng để đầu tư nuôi cá tra, sau vài tháng có thể thu lãi vài trăm triệu đồng. Chính vì vậy mà phong trào nuôi cá tra ở Thới Bình A và các ấp lân cận phát triển rất mạnh. Song, với tình hình cá tra bị rớt giá như hiện nay, nhiều người nuôi cá đang có nguy cơ phá sản và lâm cảnh nợ nần. Anh Lê Văn Chiến, ở ấp Thới Bình A, đang nuôi 3 hầm cá tra với khoảng 300.000 con, cho biết: “Thông thường , muốn nuôi cá tra hiệu quả, xoay trở được đồng vốn nhanh, thì người nuôi cá phải thả nuôi sao cho có thể thu hoạch xoay vòng giữa các ao nuôi, để từ đó đảm bảo được nguồn vốn đầu tư cho các ao cá thả sau. Nhưng hiện nay, giá cá tra tuột xuống ở mức thấp, nhiều người nuôi cá đã không còn vốn để xoay vòng vì bán cá bị lỗ”.

Anh Hồ Minh Thiện (ở ấp Tân Phú, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt) đang nuôi 600.000 con cá tra. Hiện nay, anh có 1 hầm cá khoảng 100 tấn đã tới lứa xuất bán (cá đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con) nhưng còn đợi giá. Theo anh Thiện, với giá cá tra ở mức thấp như hiện tại, nếu bán 100 tấn cá tra, người nuôi cá sẽ bị lỗ ít nhất khoảng 120 triệu đồng (chưa tính tiền lãi vốn vay). Thời gian gần đây, nhiều bạn bè của anh sau khi xuất bán cá tra đã phải lâm cảnh nợ nần và đành tạm thời bỏ ao, nghỉ nuôi cá. Anh Thiện nói: “Tình cảnh của người nuôi cá tra hiện nay giống như đang ngồi trên “đống lửa”, vì giá cá tra ở mức quá thấp và chưa thấy có dấu hiệu tăng trở lại. Nhưng trong khoảng 1 tháng qua, giá thức ăn thủy sản đã có 3 đợt tăng, với tổng mức tăng trên 1.000 đồng/kg. Nhiều nhà cung cấp thức ăn thủy sản đã không còn bán chịu thức ăn cho người nuôi cá tra, do lo sợ bị quỵt nợ bởi thấy giá cá rẻ. Còn các ngân hàng đang hạn chế cho người nuôi cá tra vay vốn. Trong khi đó, phần lớn người nuôi cá tra chỉ tự túc được khoảng 20-30% vốn, còn lại phải vay ngân hàng hoặc vay bên ngoài. Trước tình hình này, nhiều người nuôi cá tra muốn duy trì đàn cá của mình phải vay “nóng” bên ngoài. Nếu giá cá tra vẫn tiếp tục đứng ở mức thấp thì người nuôi cá khó cầm cự được lâu dài”. Anh Lê Phú Trung, ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Thới Thuận, cho biết thêm: “Ao cá của tôi đầu tư tới xuất bán khoảng 1,6 tỉ đồng. Bây giờ đến thu hoạch còn hơn 2 tháng nữa, đây là giai đoạn đầu tư nhiều vốn nhất. Mấy năm trước, thường ngân hàng rót khoảng 50% vốn, còn lại vay thêm một ít bên ngoài. Hiện nay, giá cá ở mức thấp, tôi hỏi bên ngoài cũng không ai chịu cho vay, vì sợ tôi nuôi cá lỗ và quỵt nợ. Không có đủ nguồn vốn, tôi chỉ biết cầm cự và cho đàn cá ăn cầm chừng, chờ giá cá lên, nhiều người cho vay lại...”.

Gần đây, giá cá tra giảm do tỷ giá USD giảm so với VNĐ dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu giảm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng hạn chế cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vay vốn, nên các doanh nghiệp hạn chế thu mua cá nguyên liệu của người nuôi. Chính vì vậy, doanh nghiệp buộc phải thu mua cá của nông dân với giá giảm. Tuy nhiên, theo nhiều người nuôi cá tra, cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp lợi dụng dịp này để ép giá cá thu mua của nông dân xuống thấp. Anh Trương Văn Đạm, ở xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt, có hầm cá khoảng 1 tháng nữa đến lứa xuất bán, bức xúc nói: “Biết ngân hàng không cho những người nuôi cá tra vay vốn, dẫn đến người nuôi không còn tiền cho cá ăn và buộc phải bán cá, nên doanh nghiệp đã ép giá thu mua. Từ khi ngân hàng ngưng cho người nuôi cá tra vay vốn đến nay giá cá giảm liên tục. Thiệt thòi luôn thuộc về người nuôi cá!”.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh TP Cần Thơ
Không thể thỏa mãn được hết nhu cầu vay vốn

Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, do Hội sở chính tạm hạn chế bớt nguồn vốn hỗ trợ, nên chúng tôi phải tự cân đối bằng hình thức đẩy mạnh huy động vốn. Từ đầu năm 2008 đến nay, riêng huy động vốn từ khu vực dân cư đã giảm hơn 1.000 tỉ đồng. Vì vậy, trên thực tế chúng tôi không thể thỏa mãn được hết nhu cầu cần vay vốn, mà phải hạn chế. Đến nay, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng khoảng 1.700 tỉ đồng, trong đó cho nông dân vay sản xuất lúa và chăn nuôi… chiếm khoảng 1.100 tỉ đồng, còn lại là cho các đơn vị, công ty vay. Chúng tôi đã chỉ đạo bằng mọi giá các chi nhánh ở địa phương phải tạo điều kiện cho người nông dân vay vốn. Tôi khẳng định: Trong điều kiện có thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh TP Cần Thơ sẵn sàng ưu tiên hỗ trợ vốn cho người nông dân vượt qua khó khăn”.

Đỗ Chí Thiện