00:00 Số lượt truy cập: 3084356

Đào tạo lại nông dân để làm nông nghiệp hiện đại 

Được đăng : 03/11/2016

Liên quan đến vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) đặt câu hỏi với Bộ trưởng: "Tại sao lại phải kéo dài dự án đào tạo nghề tới 12 năm, liệu có khả thi?". Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: Đây là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo điều kiện để cho bà con nông dân có việc làm, tăng thu nhập.


Con đường tất yếu là phải đào tạo nhân lực để làm những công việc phi nông nghiệp, làm nông nghiệp hiện đại. Nghị quyết TƯ7 đã ghi rất rõ bình quân từ nay đến năm 2020 mỗi năm đào tạo 1 triệu nông dân. Trong đó 700.000 người để làm phi nông nghiệp, 300.000 người làm nông nghiệp theo hiện đại.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói thêm: Hiện nay chúng ta có 25 triệu người làm nông nghiệp nhưng chỉ hơn 10%, tức khoảng 3 triệu người đã được đào tạo, còn lại phần lớn bà con làm theo truyền thống, cha truyền con nối, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đó là một thách thức nên việc đào tạo là tất yếu. Bộ trưởng cũng cho hay, chủ trương là mở rộng các hình thức đào tạo với sự tham gia không chỉ các tổ chức Nhà nước mà của các thành phần kinh tế, kể cả của các HTX, các DNTN, không chỉ sử dụng vốn ngân sách mà cả vốn tín dụng, vốn tài trợ, cách học không áp đặt mà phải phù hợp với nhu cầu của người dân. Về phía Bộ NN-PTNT, Bộ đang nghiêng theo hướng sẽ thực hiện thì điểm phát thẻ đào tạo cho nông dân.

 ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) chất vấn: Trong chương trình đào tạo 1 triệu nông dân/năm với 36 nghề, ở xã ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính hướng dẫn nông dân áp dụng ngành nghề đã học vào SX? Liệu có cần thiết phải có một chức danh cán bộ chuyên trách nông nghiệp không? Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: Lực lượng cán bộ nông nghiệp khá đồ sộ ở TƯ, nhưng huyện xã chỉ có thú y, khuyến nông, khuyến lâm viên. Cán bộ chuyên trách nông nghiệp không có. Nếu Ban Nông nghiệp xã được triển khai sẽ hỗ trợ rất tốt cho nông dân. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết thêm, nếu triển khai được Ban Nông nghiệp sẽ góp phần tích cực vào giúp dân SXNN.

Trả lời ý kiến của ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) về việc trại giống bò duy nhất của Việt Nam đang có nguy cơ xóa sổ để nhường đất làm sân golf, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Việc lấy đất có nguy cơ xóa trại bò giống Moncada (Ba Vì, Hà Nội) chúng tôi đã kiến nghị với Hà Tây trước đây và giờ là UBND TP Hà Nội cần duy trì trung tâm này. Đây là trung tâm duy nhất sản xuất tinh đông viên cho đàn bò được Chính phủ Cuba giúp xây dựng từ hơn 30 năm nay.

Nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc thu hồi đất “bờ xôi ruộng mật” làm công nghiệp, sân golf, mở mang đô thị. Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: Việc thu hồi đất nông nghiệp không sử dụng, để hoang hoá có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Chúng tôi đã có ý kiến với các địa phương về vấn đề này. Chúng tôi đồng tình với bức xúc của cử tri về việc thu hồi đất nông nghiệp để hoang hoá hoặc sử dụng không hiệu quả và sẵn sàng cùng các bên liên quan làm rõ trách nhiệm. Trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề quản lí giống cây trồng, thuốc BVTV, ATVSTP.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kết luận: Về chủ trương kích cầu trong nông nghiệp thì lĩnh vực nào, đối tượng nào được hưởng, liều lượng bao nhiêu còn chưa rõ. Đề nghị Bộ trưởng tham mưu với Chính phủ kích cầu một cách hiệu quả, chất lượng, chống lãng phí, chống xà xẻo. Chúng ta SX chục triệu tấn thóc mỗi năm mà miền núi vẫn phải ăn ngô, sắn, đó là những vấn đề bức thiết. Các lĩnh vực rừng, thuỷ lợi, hạ tầng, vật tư nông nghiệp cũng phải được quan tâm hơn. Chúng tôi rất chia sẻ với Bộ trưởng vì đây là lĩnh vực khó. Bộ trưởng đã lắng nghe, trả lời khiêm tốn, chân thành.

* Hôm nay và ngày mai, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục trả lời chất vấn QH. Đã có 235 câu hỏi chất vấn của 118 đại biểu thuộc 46 đoàn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành.