00:00 Số lượt truy cập: 3047916

Đất bạc màu mà giàu thấy rõ 

Được đăng : 03/11/2016
Giờ đây ông Đặng Đình Điện, người dân tộc Dao ở bản Hạ Thành, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã nổi tiếng khắp vùng nhờ biết làm trang trại tổng hợp. ^Sau 10 năm bỏ công, bỏ vốn, khu đất hoang bạc màu năm xưa đã trở nên trù phú, xanh ngút ngàn với các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ cùng ao cá, đàn gia cầm... mang lại cho ông mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Từ bãi đất hoang...

Ông Điện kể lại: Những năm 1970, theo chủ trương của Nhà nước, cả bản người Dao hạ sơn xuống Hạ Thành, bắt đầu một cuộc sống mới. Không chỉ riêng ông Điện mà cả bản đều thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em không được đến trường. Đường không có phải đi theo những sườn núi, vượt qua hàng chục con suối mới ra được trung tâm xã... Quyết tâm không chịu đói nghèo, ông Điện đã mạnh dạn vay ngân hàng 20 triệu đồng, khai hoang gần 2 mẫu ruộng trồng lúa nước, rồi thuê máy ủi, đào ao đắp bờ để nuôi cá. Vào những năm 1980, ông nhận thêm 2 ha đất bạc màu (người dân gọi là “đất chết”) ở sườn đồi mở rộng diện tích sản xuất. Khi đó nhiều người nghi ngại khả năng thành công nhưng ông vẫn quyết tâm làm. Có đất rồi, ông Điện huy động vốn từ gia đình, bạn bè, vay thêm ngân hàng hơn 100 triệu đồng. Ông mua đất màu bồi cho vườn, mở rộng ao cá, đường vào vườn. Để thuận tiện cho đi lại của bà con, ông còn vận động mọi người đóng góp công lao động để mở rộng đường đi. Vậy là bước đầu việc cải tạo coi như tạm ổn, công việc tiếp theo là trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả cao nhất?

...Đến trang trại trăm triệu đồng

Bước đầu ông Điện trồng 40 cây vải, 50 cây xoài, cây lấy gỗ và xen ghép hàng nghìn cây bản địa các loại. Sau vài năm, vườn cây đã sum suê đẹp mắt, nhiều cây đã bói quả. Người qua đường thấy vườn đẹp thường vào thăm và hỏi ông kinh nghiệm. Vài người rồi vài chục người cứ đòi ông hướng dẫn cách làm. Từ 2 ha “đất chết” ông chia làm hai, 1 ha ông trồng rừng và cây ăn quả, 1 ha nuôi cá thịt và cá giống. Tận dụng mặt nước, ông nuôi 600 con vịt đẻ, 200 con gà. Riêng tiền bán vịt, gà cũng được 30 triệu đồng/năm. Có vốn, ông liên doanh trồng 6 ha đất rừng nguyên liệu giấy, mở thêm cửa hàng tại nhà và mua ô tô trị giá hơn 200 triệu đồng để chở vật liệu của gia đình và phục vụ bà con khi cần... Trong căn nhà khang trang, hiện đại, ông Điện hồ hởi cho biết: Ơn Đảng và Nhà nước mà nhiều năm qua, bản người Dao Hạ Thành mới được đổi mới đấy! Không như trước nữa, giờ đây bà con trong bản đã thay đổi mọi mặt, các hủ tục được loại bỏ, trẻ em được đến trường, được xem ti vi, đọc báo... Bản thân ông Điện cũng tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua sách báo. Không những vậy, ông còn mời một số hộ làm trang trại có kinh nghiệm và cán bộ khuyến nông, khuyến ngư về hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Hiện nay, mỗi năm trang trại của ông cung cấp cho thị trường hàng tấn gà, vịt, cá thịt và hàng vạn con cá giống các loại. Ông Điện cho biết thêm: Làm giàu không khó, cái chính là phải có lòng kiên trì, tìm tòi tiến bộ khoa học để áp dụng vào sản xuất. Đối với cá, phải biết chọn cá giống tốt, khỏe đem thả vào thời điểm thích hợp sau khi đã vệ sinh ao, hồ sạch sẽ. Đối với vịt, gà phải nuôi ở môi trường thoáng mát, không để ẩm sẽ gây bệnh, hiệu quả kinh tế không cao...

Công việc ngày một nhiều, hiện nay trang trại của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 8 lao động với mức lương ổn định từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng. Ông Điện cho rằng, làm trang trại tuy đồng vốn quay vòng hơi lâu nhưng tạo sự ổn định nên rất phù hợp với những ai có sự kiên trì và mạnh dạn. Hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Giờ đây công việc chủ yếu của ông Điện là giao dịch với khách hàng nhưng niềm đam mê làm trang trại của ông vẫn không hề suy giảm. Ngày ngày ông vẫn có mặt ở vườn để chăm sóc cây, ao cá, đàn gia cầm. Ông còn làm dịch vụ thu gom gỗ nguyên liệu, nhận cải tạo vườn tạp cho bà con trong vùng. Nhờ đó, nhiều khu vườn đã phát triển tốt mang hiệu quả kinh tế cao.

Con đường mới mở ngày nào giờ đã tấp nập người qua lại. Ông Điện chia sẻ: “Nhiều lúc khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi nhưng tôi luôn nghĩ “người có công thì đất không phụ”, muốn làm giàu thì phải kiên trì“. Hàng chục năm nay, gia đình ông Điện luôn được nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Hộ làm kinh tế giỏi” của Trung ương, địa phương.../.