Dẫn tôi đi một vòng quanh cơ ngơi khang trang của mình, ông Bốn vui vẻ cho biết: “Tới đây, khi Tiến Xuân được đô thị hoá, trang trại của tôi sẽ trở thành khu du lịch sinh thái. Tôi đã quy hoạch đầy đủ: nhà nghỉ, vườn cây, không gian thư giãn…”. Đến thăm trang trại của ông, tôi hiểu vì sao khi muốn tìm hiểu về gương điển hình làm kinh tế giỏi, ông Bùi Văn Tình, Chủ tịch UBND xã giới thiệu ngay: “Đến nhà anh Bốn. Anh ấy vừa được nhận Huân chương Lao động hạng 3 vì thành tích làm trang trại đấy”.
Ông Bốn cho biết, toàn bộ trang trại rộng 21,4ha, được chia làm 2 khu. Khu nhà ở cùng vườn cây trồng quế, cây cảnh rộng 1,4ha, được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp. Cách đó không xa là trang trại trên núi Vua Bà rộng 20ha, chủ yếu trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc. Đấy là chưa kể phần đất rộng 60ha mà ông cùng một số người khác chung nhau. Để có được vốn đất đai lớn như vậy, ông Bốn phải tích cóp dần dần. Ban đầu, ông chỉ có 14,5ha. Khi có vốn, ông tiếp tục mua thêm để “thoả chí làm ăn”.
Để đảm bảo cuộc sống, ông trồng sắn, ngô. Nhưng tục thả rông gia súc khiến diện tích hoa màu bị “đe doạ”. Vậy là vợ chồng ông hì hục đào đất, đá, đóng cọc làm tường bao quanh trang trại. Khi cái ăn đã đủ, ông bắt đầu trồng các cây lấy gỗ như: keo, bạch đàn, lát. Ông cũng quy hoạch riêng bãi cỏ để cung cấp thức ăn cho trâu, bò.
Không dừng lại ở những giống cây, con quen thuộc, ông liên tục đưa những giống mới năng suất cao vào nuôi trồng. Cũng chính vì “ham đổi mới” nên nhiều lần ông cũng... thất bại lớn. Đó là vào năm 2003, khi 100 con gà “dính” dịch cúm gia cầm, chết hàng loạt. Sau đợt ấy, ông ngừng nuôi gà. Cùng năm, 10ha lát Mêhicô cũng bị “khai tử”. Ông kể: “Ban đầu mua về chăm sóc, cây vẫn phát triển bình thường. Sau một thời gian tự nhiên lá héo dần, lả đi và chết. Hàng chục triệu đồng tiền mua giống, chăm sóc mất trắng”. Nhưng tại sao cây chết mới là điều ông quan tâm nhất. Cuối cùng, ông mới “vỡ” ra rằng, cây bị bệnh nấm gốc. Mới đây, ông lại thêm một mùa “rau đắng”. Chuyện là, ông chủ rừng thấy rau sắng cho hiệu quả kinh tế cao, thường được trồng trên núi nên mua hơn 300 cây ở Phú Thọ về trồng. Nhưng trồng mãi mà cây vẫn còi cọc rồi lụi dần. “Thì ra, chất đất ở núi Vua Bà không hợp với cây” - ông cho hay.
Gặp trắc trở với một số cây, con mới nhưng với những cây, con truyền thống ông vẫn thành công. Hiện, trên rừng ông đã phủ kín 7,5ha keo, bạch đàn; 3ha quế; 2ha gió trầm... Dưới tán rừng có gần 100 con bò, trâu. Tổng cộng mỗi năm, sau khi trừ chi phí ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Trang trại của ông Bốn còn thường xuyên giải quyết việc làm cho 7 lao động. Ông giúp nhiều nông dân thoát nghèo bằng cách cho vay vốn để phát triển sản xuất. Ông tâm sự: “Để làm ăn thành công, điều quan trọng là mình phải có kiến thức tổ chức sản xuất, biết sắp xếp cơ cấu cây trồng – vật nuôi hợp lý”.