Đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi
Được đăng : 03/11/2016
Nhờ có thời gian chăn nuôi lâu dài, Anh Nguyễn Tấn Thành ở ấp Chợ, xã Phú Phụng (Chợ Lách - Bến Tre) tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ khâu chữa trị, phối giống nhân tạo, đề ra được quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng rất hợp lý.
Với 12 ô chuồng, nhưng có hơn 8 heo nái thay nhau sinh sản. Nhờ vậy, mỗi quý anh cho xuất chuồng gần 1 tấn heo hơi. diện tích vườn khoảng 3.000 m2 anh tận dụng các khu đất trống hay chen lẫn trong vườn cây ăn trái trồng khoai lang, dưới mương thả rau muống, cung cấp đủ số lượng rau xanh cho hơn 60 heo thịt và hậu bị, 8 heo nái sinh sản và đàn heo con. Nhìn nồi cháo cho heo ăn đang bốc khói, tôi hỏi anh: “Sao anh không dùng thức ăn hỗn hợp tiện lợi và đỡ mất thời gian, nấu cháo tốn nhiều chất đốt?” Anh cười chỉ tay về hướng đặt túi biogas nằm sau dãy chuồng dài khoảng 10 m: “Chất đốt tôi có thừa, tuy cho heo ăn cháo nhưng tôi cũng phải mua thêm thức ăn hỗn hợp để bổ sung”. Cháo cho heo ăn anh tận dụng nguồn rau xanh sẵn có trộn cám nhuyễn, chỉ nấu vừa đủ lửa để rau xanh khỏi biến chất, khi cho heo ăn trộn thêm 1/3 lượng thức ăn hỗn hợp là vừa đủ giá trị dinh dưỡng.
Túi biogas đang âm thầm chuyển hóa từ phân chuồng thành khí mêtan (CH4), điều lợi này bà con chăn nuôi ít ai nghĩ đến. Nguồn khí sinh học này đã giúp gia đình anh có gas để nấu rượu, cháo cho heo ăn và sinh hoạt gia đình. Anh chỉ tay ra vườn và nói: “Vườn bưởi da xanh của tôi sum suê như vậy cũng chính nhờ túi biogas mang lại, hai tháng tôi thay phân cho túi gas, đem bón cho cây bưởi nên bưởi lúc nào lá cũng xanh và trái cũng to, tôi ít dùng phân hóa học”.
Để tránh mầm bệnh lây lan, quanh chuồng trại và lối đi, lúc nào cũng có vôi bột, hai ngày anh dùng thuốc Benkocid liều lượng 15 - 20 ml/10 lít nước phun chuồng khử độc, các khu đất trống anh trồng cây chắn gió ngừa mầm bệnh phát lan trong không khí đưa vào chuồng, nhờ vậy mà đàn heo của anh lúc nào cũng khỏe.
Mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Tấn Thành được xem là mô hình tốt, nhờ anh biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và còn phòng được dịch bệnh.