Năm 2007, tận dụng diện tích đất thừa sau nhà, ông Tòng mạnh dạn đầu tư hơn 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 2 con lợn nái giống Yorkshire về nuôi. Tháng 9/2007, ông xuất chuồng 1,5 tấn heo hơi, với giá 40.000 đồng/kg, ông thu hơn 60 triệu đồng, trừ chi phí lãi 30 triệu đồng. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục mua 3 con lợn nái giống Landrace và năm 2008, ông đã xuất chuồng 3 lứa lợn thương phẩm, mỗi lứa 40 con, lãi 207 triệu đồng. ông Tòng cho biết: “Nuôi lợn theo quy trình khép kín rất có lợi, tận dụng chất thải làm hầm biôga phục vụ sinh hoạt gia đình, tiết kiệm chi phí chất đốt và bảo vệ môi trường”. Tìm hiểu về quy trình chăn nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp, ông Tòng giải thích: “Chọn mua lợn nái đời F1 giống York hay Landraace, nuôi trưởng thành sau đó chọn lợn Duroc phối theo phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng tinh đông viên, sau khi lợn con ra đời hơn 1 tháng, tách đàn chuyển sang chăm sóc để vỗ béo thành lợn thương phẩm”. Được biết khâu chăm sóc chuồng trại, chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn được ông thực hiện rất bài bản và khoa học, lên lịch cụ thể, chi tiết đến từng ngày, giờ. Vì thế gia trại chưa một lần bị dịch bệnh “hỏi thăm”. Kỹ sư Đỗ Kim Đồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hoà cho biết: “Mô hình nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp quy mô hộ gia đình rất hiệu quả, huyện đã triển khai thí điểm được 5 hộ, từ nay đến 2010 sẽ phát triển thêm 15 hộ, tổ chức hội thảo đúc rút kinh nghiệm và triển khai rộng hơn cho bà con nhân dân”. |