Mô hình trang trại tổng hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Xuân ở thôn Đức Thắng, xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông những năm gần đây cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Nhìn những thành quả như hôm nay, ít ai biết rằng, gia đình bà đã có những ngày tháng vô cùng khó khăn.
Đến mảnh đất Tây Nguyên từ năm 1972, do chưa quen khí hậu và thời tiết, cuộc sống của gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Thấy đất đai ở đây rộng, màu mỡ, rất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, thế là gia đình bà quyết định lập nghiệp tại đây để phát triển kinh tế. Thời gian đầu do không có vốn, bà tập trung vào sản xuất cây ngắn ngày, trước hết là để ổn định cuộc sống, sau đó mới có điều kiện để phát triển sản xuất và tích lũy. Song vì giá cả nông sản không ổn định, gia đình lại đông người nên làm chỉ đủ ăn. Bà cùng gia đình quyết định thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, từ đó đời sống gia đình dần ổn định. Qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân phối hợp với Trạm khuyến nông, trạm thú y mở về chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, cùng với những kiến thức học hỏi từ sách vở, báo, đài và trên truyền hình, gia đình bà đã quyết định đầu tư vốn xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi heo rừng.
Năm 2006, gia đình bà bắt đầu thuần dưỡng những con heo rừng đầu tiên. Năm 2009 đã cung cấp giống ra thị trường, những con heo không đạt tiêu chuẩn làm giống, bà chuyển sang nuôi thả rông. Đến nay tổng đàn heo rừng của trang trại luôn ở mức 400 con; trong đó có 60 heo nái sinh sản, 06 heo đực giống, trên 300 heo lứa và heo hậu bị các loại. Nguồn thu từ heo rừng giống và heo thịt của gia đình bà đạt khoảng 800 triệu mỗi năm. Đến năm 2011, bà khai trương cửa hàng phân phối đầu tiên tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, để đông đảo người dân có thể tiếp cận được với các loại đặc sản mà hạn chế sử dụng heo rừng từ nguồn săn bắt trái phép. Ngoài ra, chất thải của heo được bà sử dụng làm biogas, cung cấp chất đốt cho gia đình. Lượng phân sau khi ủ biogas làm phân bón cho 03 ha cà phê và hoa lan tiết kiệm được chi phí trên 60 triệu đồng mỗi năm. Vườn cà phê của gia đình bà cho thu khoảng 9 tấn, lãi ròng đạt 150 triệu đồng mỗi năm. Vườn Hoa địa Lan hàng năm cung cấp hàng trăm chậu trong dịp tết cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Từ các nguồn trên, hàng năm gia đình bà thulãi ròng 8 trăm triệu đến 1 tỷ đồng.
Hiện trang trại luôn tạo việc làm cho 05 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Trang trại đã cung cấp nguồn giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo rừng cho nhiều hộ khác. Trong năm 2010-2011, trang trại đã đón nhiều đoàn tham quan từ các tỉnh Miền Tây, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Bắc đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm và mua giống về nuôi.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà còn là một phụ nữ rất giàu lòng nhân ái. Với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, xây dựng khối đoàn kết trong thôn, xóm, gia đình bà đã giúp đỡ 3 hộ gia đình vay 25 triệu đồng làm ăn không tính lãi, hỗ trợ 5 triệu đồng cho 01 hộ có hoàn cảnh khó khăn; cho 02 hộ nghèo mua heo nái trả chậm về nuôi. Gia đình bà giúp đỡ 01 phụ nữ lầm lỡ đến khi sinh con và cho tiền tàu xe về quê, giúp 01 em bé thất lạc gia đình trong 07 tháng và giúp cháu tìm về với gia đình. Ngoài ra, bản thân bà còn tích cực tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ cho các hộ gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn trong thôn, xã.