00:00 Số lượt truy cập: 3080669

Đầu năm mới nói chuyện lúa ĐBSCL 

Được đăng : 03/11/2016
Một vụ trúng mùa, trúng giá

Vụ lúa ĐX 2009/2010 ở ĐBSCL sẽ đi vào lịch sử hiếm hoi - vừa trúng mùa lại trúng giá. Hiện nay đã có 175.000 ha đang thu hoạch cho năng suất từ 6 – 6,5 T/ha. 560.000 ha đang bước vào giai đoạn chín với năng suất chắc ăn 6,5 T/ha, 650.000 ha đang trong giai đoạn đòng trỗ phát triển tốt vì áp lực rầy nâu, đạo ôn, cháy bìa lá đều nhẹ, 245.000 ha giai đoạn đẻ nhánh cần được quan tâm nhưng chưa thấy những điều kiện hạn chế.

Đến trước Tết Canh Dần, VN chúng ta đã XK được 495.000 T gạo với giá 495 USD/T (gạo 25%) cao hơn bình quân 2009 đến 45 USD/T. Tình hình cung cầu về gạo trên thế giới đang có những diễn biến hứa hẹn cho giá mua bán cao, Ấn Độ nước XK gạo thứ 3 sẽ phải nhập khẩu do hạn hán, bất ổn về chính trị và hạn hán cũng làm cho Pakistan không có gạo để xuất, tình hình thiếu gạo ở Philippine vẫn chưa được cải thiện và bị ảnh hưởng nặng nề sau 2 cơn bão số 9 và 10 nên họ tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới về nhập khẩu gạo với lượng được dự báo còn cao hơn 2009 (1,5 triệu T).

Thái Lan, cường quốc XK gạo số 1 thế giới đang phải chịu tổn thất khoảng 1,1 triệu T lúa do dịch rầy nâu bùng phát ở miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, viện trợ cho các nước nghèo đói châu Phi giảm sút nên trước mắt việc mua bán gạo vẫn còn trầm lắng trong lúc ĐBSCL lại bước vào thu hoạch rộ nên giá lúa mấy ngày sau Tết Canh Dần đã tụt từ 5.100 đ/kg xuống chỉ còn 4.500 đ/kg, vùng sâu vùng xa chất lượng lúa không cao giá bán lúa tươi tại ruộng chỉ còn 3.900 – 4.000 đ/kg. Sự trầm lắng của thị trường chỉ là tạm thời, trong lúc lúa ĐX lại tốt không sợ ẩm vàng nên cần trữ lại chờ giá.

Tình hình cung ứng vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón năm nay tương đối thuận với giá cả vừa phải (giá thành lúa theo một số tỉnh là 2.200 đ/kg) nên lợi nhuận của người trồng lúa được nâng lên đáng kể, bình quân 1 công (1.000m2) có lợi nhuận 1,5 triệu đồng, chiếm 50%.

Đối mặt hạn hán

Với vụ ĐX thì hiện vẫn còn một số yếu tố khách quan có thể hạn chế năng suất, nhất là các đối tượng dịch hại như rầy nâu, đạo ôn vẫn có thể bùng phát. Tuy nhiên điều nguy hiểm nhất vẫn là nguy cơ hạn hán vào cuối vụ ĐX và vụ hè thu tới. Theo các cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2010 ĐBSCL sẽ phải đối mặt với cơn hạn hán được dự báo “lịch sử” mà hệ lụy của nó là mặn sẽ xâm nhập sâu hơn, rộng hơn và cường độ cao hơn, trong đó cao điểm sẽ từ trung tuần tháng 3 đến nửa đầu tháng 5 và chỉ giảm khi mùa mưa bắt đầu.

KS Lê Quốc Phong, GĐ Cty Phân bón Bình Điền: Giá phân bón sẽ ổn định ở mức cao hơn hiện nay

Trong thời gian qua, từ tháng 10/2008 tới nay, tình hình cung ứng và giá phân bón có được sự bình ổn kể cả phân NPK lẫn phân đơn. Tuy nhiên diễn biến sắp tới sẽ khó lường vì giá dầu đang nhích lên, có thể đạt > 80 USD/thùng, nhưng giá kali sắp tới (kali bột và kali miểng) sau 3 năm liền đứng ở giá cao thì có thể giảm, urea được đánh giá sẽ bình ổn, riêng DAP sẽ nhích lên nhưng sẽ không thể đạt mức cao như năm 2007/2008, NPK cũng sẽ nhích lên theo giá DAP.

Việc sử dụng phân Đầu Trâu đều mang lại hiệu quả cao và có ý nghĩa tiết kiệm chi phí, giảm giá thành nhất là sử dụng phân đạm hạt vàng 46A+ và NPK Agrotain + TE sẽ tiết kiệm được 20-25%. Ngoài việc sử dụng phân bón cân đối, vừa đủ thì việc thâm canh liên tục 3 vụ lúa/năm cần trả lại hữu cơ cho đất nhất như cày vùi rơm rạ, bón phân hữu cơ cho ruộng.

Để đối phó, ngoài việc cộng đồng và nhà nước phải tích cực chống hạn như nạo vét kinh mương, tích cực trữ nước trong các ao đầm kinh mương nội đồng để có thể ứng cứu qua cơn nguy cấp thì người trồng lúa cần có giải pháp riêng cho mình mà trước hết vùng ven biển, những nơi nguy cơ mặn cao thì cần chuẩn bị giống chịu mặn tốt (theo TS Lê Văn Bảnh, Viện Lúa ĐBSCL thì hiện nay Viện này có một số giống chịu mặn khá) và phải theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết để khi có mưa là sạ ngay. Trong canh tác áp dụng các biện pháp tổng hợp để cây lúa khỏe ngay từ đầu chống chịu tốt hơn.

Vận động bớt diện tích xuân hè

Một số địa phương, chủ yếu Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long nông dân có tập quán làm vụ xuân hè (hay còn gọi là hè thu sớm), nhất là khi lúa có giá như năm nay thì diện tích lại có nguy cơ tăng. Theo phân tích và đánh giá của TS Phạm Văn Dư, PCT Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thì diện tích xuân hè thường chỉ khoảng trong ngoài 100.000 ha và năng suất thường chỉ đạt 4,5 T/ha, hiệu quả không cao. Tuy nhiên điều nguy hiểm là vụ lúa này sẽ làm cầu nối để rầy nâu gây hại ở vụ ĐX tiếp tục tồn tại và sinh sôi nảy nở để gây hại lúa vụ hè thu. Để cắt đứt vòng đời của RN, từ trước các nhà khoa học thường khuyến cáo trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu thay cho 3 vụ lúa hay 2 năm 7 vụ. Cơ cấu được khuyến cáo: Lúa đông xuân – màu – lúa thu đông. Đối tượng cây màu có thể là bắp lai, bắp cạp, mè, đay tùy theo điều kiện thực tế của từng nơi.

Trong trường hợp chưa có đối tượng chuyển đổi được thì từng địa phương phải có quy hoạch và quản lý đặc biệt cho vụ lúa này và biện pháp hàng đầu vẫn là gieo sạ tập trung đồng loạt né rầy và cần thiết phải có giãn cách khoảng 2-3 tuần giữa 2 vụ cho đất nghỉ. Cần lưu ý cuối tháng 2 kéo dài sang tháng 3 sẽ có một đợt rầy di trú mạnh vì nhiều diện tích lúa ĐX được thu hoạch.

Với những diện tích ĐX đang trong giai đoạn đòng trỗ và đẻ nhánh thì cần thăm đồng thường xuyên cảnh giác cao độ với rầy nâu. Nếu bị nhiễm nhẹ < 3 con/tép (mỗi m2 có 700 tép) thì không cần phun, nếu nặng hơn > 3 con/tép thì cần phun nhưng phải theo nguyên tắc 4 đúng. Với lúa còn 15-20 ngày nữa cho thu hoạch thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến năng suất nên không cần phun mặc dù vẫn có thể bị cháy rầy từng chòm nhỏ nhưng sẽ không đáng kể..