00:00 Số lượt truy cập: 3076998

Đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư cho tương lai 

Được đăng : 03/11/2016
Để hiểu rõ hơn quan điểm: Nông nghiệp sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tương lai, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã trao đổi sâu với ông Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về vấn đề này.

Trong những thành tựu kinh tế mà Đồng Tháp đạt được 5 năm (2006 - 2010) qua, ông có nhận xét gì về kinh tế nông nghiệp?

Năm năm qua (2006-2010), bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nền kinh tế Đồng Tháp có bước phát triển tích cực. Tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 14,12%/năm; tổng giá trị sản phẩm năm 2010 ước đạt 14.362 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2005; thu nhập bình quân ước đạt 773 USD/người/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển, ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững; giá trị tăng thêm của ngành nông - lâm - thuỷ sản năm 2010 đạt 5.887 tỷ đồng, tăng bình quân 6,5%/năm. Việc chuyển dịch cơ cấu trồng - vật nuôi diễn ra mạnh mẽ, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và nhu cầu thị trường, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh; cơ giới hoá khâu làm đất đạt 100%. Tỉnh cũng triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến nông dân, thí điểm thành công một số mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc sản xuất lúa ngày càng theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng. Theo đó, sản lượng lúa hàng năm đạt trên 2,6 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm khoảng 70%.

Trong lĩnh vực thủy sản, chỉ tính riêng giai đoạn 2006-2010 diện tích nuôi trồng đã tăng đáng kể, đặc biệt cá tra được thả nuôi với diện tích gần1.500ha/năm, sản lượng 280.000 tấn, giá trị xuất khẩu trên 150 triệu USD; diện tích nuôi tôm càng xanh khoảng 1.000ha, sản lượng ước đạt 2.000 tấn, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân mùa lũ.

Để khai thác hiệu quả lợi thế đất đai, nguồn nhân lực, đưa nông nghiệp phát triển toàn diện, những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần này là gì, thưa ông?

Trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, chúng tôi xác định: Xây dựng nền sản xuất nông, lâm, thuỷ sản theo hướng bền vững với thế mạnh là cây lúa và nuôi trồng thuỷ sản để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Từng bước tổ chức lại sản xuất, tiến lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, có khả năng ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, bảo vệ tốt thành quả sản xuất.

Nâng cao trình độ lao động nông nghiệp qua đào tạo, tăng tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm ổn định; trang bị kiến thức cho nông dân tiếp cận khoa học công nghệ mới; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sang các lĩnh vực, ngành nghề khác với mục tiêu giảm còn 45% vào năm 2015, góp phần nâng mức sống của dân cư nông thôn cao gấp 2 lần trở lên so với hiện nay.

Song song đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện để kinh tế hộ tiếp tục phát triển; điều chỉnh bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ; phát huy vai trò tự chủ trong sản xuất, kinh doanh trên cơ sở định hướng của Nhà nước. Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ mới, phát triển ngoài khu dân cư để khắc phục và bảo vệ môi trường; hình thành các trang trại sản xuất rau an toàn, hoa, nấm, sản xuất chế biến nông sản,... ở vùng ven đô thị.

Tăng cường đầu tư hệ thống thuỷ lợi bảo đảm cấp nước chủ động, kiểm soát lũ cho trên 200.000ha đất canh tác hàng năm và khoảng 30.000ha cây ăn trái; gắn việc đầu tư nạo vét kênh mương kết hợp chặt chẽ với đắp bờ kênh làm lộ giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để phương tiện cơ giới hóa nông nghiệp (máy cày, máy xới, máy gặt đập, xe tải nhẹ) lưu thông được trên bờ bao, bờ kênh. Xây dựng, phát triển đồng bộ vùng chuyên canh cây lúa và màu (bắp, đậu nành...) để có sản lượng lớn, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu và một phần làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, có các hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ và các chính sách phù hợp để phát triển lương thực, thực phẩm an toàn, sạch bệnh.

Đổi mới công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thực hiện công tác khuyến nông theo các dự án, chương trình, đầu tư có trọng điểm gắn kết với các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng mô hình khuyến nông tổng hợp theo hướng khép kín từ khâu giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thu hoạch, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, định hướng tiêu thụ; tiến tới xã hội hoá công tác khuyến nông. Đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trước, trong và sau thu hoạch ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, gắn với bảo quản, chế biến, tồn trữ bằng việc phát triển hệ thống kho tàng theo quy hoạch; ưu tiên đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, xây dựng các mô hình cơ giới hoá rau màu thí điểm, tiến tới nhân rộng ở các vùng sản xuất tập trung. Chúng tôi quan niệm, đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư cho tương lai, góp phần ổn định xã hội.

Đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, Đồng Tháp đã có những giải pháp, hướng phát triển nào, thưa ông?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, muốn làm tốt bất cứ điều gì cũng phải phát triển kinh tế bền vững. Chính vì vậy, để xây dựng tốt mô hình nông thôn mới, mục tiêu bao trùm là kinh tế phải phát triển, trên cơ sở đó đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn sẽ được nâng cao. Xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và đô thị; hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, bản sắc văn hoá được bảo tồn; môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp. Phấn đấu đến năm 2015, xây dựng 30/119 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; chiếm 25,2% tổng số xã trên địa bàn toàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn mới ở toàn bộ 119 xã, lập Đề án xây dựng nông thôn mới ở từng xã để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới trong từng giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020 (số tiêu chí nông thôn mới đạt được trong từng giai đoạn, danh mục các công trình cần đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư). Các xã xác định lựa chọn các tiêu chí để ưu tiên thực hiện, nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoàn thành sớm các tiêu chí có điều kiện thuận lợi. Tập trung hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường, quy hoạch về xây dựng dân cư nông thôn. Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới. Chú trọng đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ đa mục tiêu, kết hợp chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống giao thông, góp phần xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại, gắn với phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ; bảo đảm xã hội vùng nông thôn ổn định, môi trường được bảo vệ, đủ khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức và thường xuyên nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho cả hệ thống chính trị và xã hội hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân hiểu rõ: Mục tiêu chính của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn, người dân giữ vai trò chủ động, tích cực trong thực hiện chương trình này. Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới thông qua việc người dân có quyền quyết định các vấn đề quan trọng (công tác quy hoạch, xây dựng danh mục đầu tư, góp vốn đầu tư,...).

Tổ chức đào tạo, tập huấn, hình thành đội ngũ cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới ở tất cả các cấp để triển khai chương trình đồng bộ và hiệu quả. Đào tạo, tập huấn lực lượng cán bộ văn hoá, khoa học kỹ thuật (y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường,...), cán bộ quản lý nhà nước, lực lượng lao động nông thôn, tạo nguồn lực cần thiết để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!