Năm 2011, tổng vốn đầu tư bố trí cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân là hơn 101 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước, tăng 7,1% so với năm 2010.
Con số này được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết tại cuộc họp đánh giá 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới diễn ra sáng 14/6 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì cuộc họp.
Đào tạo nghề cho gần 300 nghìn người
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, đến cuối tháng 2/2011, 100% các tỉnh, 516/609 huyện, 8.404/9.121 xã đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới.
Cả 63 tỉnh, thành phố đều hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí làm cơ sở để triển khai những bước tiếp theo, 47/63 tỉnh (6.500 xã) đã gửi về Văn phòng điều phối tổng hợp. Khoảng 55% số xã đang xây dựng đề án nông thôn mới, trong đó có 700 xã (chiếm 7,6%) đang hoàn thành.
Về công tác đào tạo nghề cho nông dân, các tỉnh đều tiến hành việc đánh giá nhu cầu để xây dựng kế hoạch. Cả nước đã tổ chức được hơn 9.000 lớp dạy nghề với gần 300 nghìn người tham gia (cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp).
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo ra những mô hình tốt. Cụ thể, Thái Bình tập trung dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch lại ruộng đồng, phát triển giao thông, kênh mương nội đồng phù hợp với cơ giới hoá; Tuyên Quang hỗ trợ 100% ximăng, ống cống qua đường, kinh phí quản lý… cho xây dựng giao thông; Hải Phòng hỗ trợ 15-20% kinh phí xây dựng cơ bản cho các cơ sở làm muối; hỗ trợ 20-30% lãi suất cho người dân vay sản xuất; An Giang ban hành quy chế khen thưởng các xã triển khai tốt chương trình và có phần thưởng cụ thể là 1 công trình hạ tầng tương đương 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, việc rà soát đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí còn hạn chế, nhiều địa phương mới chỉ đánh giá theo “ước lượng”, chưa phản ánh được đầy đủ và toàn diện về thực trạng nông thôn. Điều này dẫn đến hạn chế trong công tác lập quy hoạch, lập đề án, đặc biệt là khó xác định đầy đủ các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
Về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, công tác đào tạo cán bộ, tuyên truyền sẽ được chú trọng, kiên trì thực hiện quy hoạch đi trước một bước, theo phương châm “chưa có quy hoạch, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng”. Phấn đấu đến cuối năm 2011 có 100% số xã hoàn thành quy hoạch chung và 30% xã hoàn thành quy hoạch chi tiết; đào tạo, tập huấn cho khoảng 3.000 cán bộ chỉ đạo các cấp.
Hướng dẫn triển khai linh hoạt, đơn giản
Ảnh: Chinhphu.vn |
Đánh giá về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là một chương trình tổng thể, bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều tiêu chí. Chương trình đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nông nghiệp, nông thôn.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong 19 tiêu chí của Chương trình, các tiêu chí đầu tiên phải thực hiện là giáo dục, y tế, an ninh trật tự. Trong đó, giáo dục phải được đặt lên hàng đầu bởi lẽ đây là vấn đề cốt lõi, tác động đến các tiêu chí khác.
Theo Phó Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương khi hướng dẫn triển khai chương trình không được cứng nhắc mà phải linh hoạt, đơn giản, tuỳ theo đặc điểm tình hình của địa phương để người dân vận dụng, lấy người dân làm chủ thể, vì lợi ích của người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu, các Bộ, ngành liên quan khi báo cáo về Chương trình xây dựng nông thôn mới cần theo hướng nêu bật được mục tiêu đưa Chương trình trở thành phong trào của cả nước, trở thành nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân, vì lợi ích của tất cả người dân nông thôn, đặc biệt là nông dân nghèo.
Đây là chương trình lâu dài, bền bỉ và để đi vào thực chất, cần sớm xây dựng đề án cho từng xã, gắn với việc hoàn thiện công tác quy hoạch. Cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình triển khai tốt, có thể tập hợp thành các bộ tiêu chuẩn mẫu, phổ biến cho các xã, huyện trong cả nước.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần hoàn thiện các tiêu chí, kiến nghị Chính phủ về các nội dung sửa đổi để chỉ đạo thống nhất, phù hợp với tình hình. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các tiêu chí liên quan đến Bộ, ngành mình, phân công đi kiểm tra việc triển khai ở các địa phương, tránh tình trạng để cơ sở lúng túng.
Thời gian tới, cần đưa ra trọng tâm công việc để tiếp tục chỉ đạo, phải lên được kế hoạch mục tiêu phấn đấu, lựa chọn những việc cần ưu tiên như: tập trung sản xuất, nâng cao dân trí, xoá nhà tạm, chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an ninh trật tự.
Đồng thời, đề ra các phương pháp huy động nguồn lực, tận dụng các ưu thế của địa phương, thực hiện các thủ tục thanh quyết toán ngân sách đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi nhất khi triển khai Chương trình.