00:00 Số lượt truy cập: 3076928

Đầu tư nông nghiệp đuối dần 

Được đăng : 03/11/2016
Nghị quyết TƯ 7 về Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã đi vào cuộc sống song chưa có sự chuyển biến tích cực, đầu tư cho nông nghiệp đang “đuối dần”… là những vấn đề mà một số ĐBQH lo lắng.

Nông dân vẫn chịu thiệt

Trải qua suy giảm kinh tế, sự bật dậy mau lẹ của Việt Nam có đóng góp lớn từ nông nghiệp. Nhiều ĐBQH cho rằng nông nghiệp mang sứ mệnh giải cứu kinh tế. Chính khủng hoảng, chính suy giảm kinh tế đã nhắc ta nhớ lại vai trò lớn lao ấy của nông nghiệp, nông thôn.

Từ kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng thảo luận nhiều về vấn đề này, các thành viên Chính phủ cũng đăng đàn và cam kết sẽ tăng đầu tư tối đa cho khu vực nông thôn, tuy nhiên tỷ trọng đầu tư vào đây còn thấp, sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp còn yếu, đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa thực sự hấp dẫn.

Đã không có ít định chế tín dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn nhưng người dân thì vẫn ngày càng khó khăn hơn trong tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Có người phải vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ để mua tư liệu sản xuất hoặc chỉ để đóng tiền học cho con, tiền chữa bệnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu cho nông nghiệp, nông thôn cũng bị phân tán.

 Phát biểu trước QH, ĐB Củng Thị Mây, tỉnh Hà Giang chứng minh rằng từ nhiều năm nay qua ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn lâm vào tình trạng đói nguyên liệu, thường xuyên phải nhập khẩu với số lượng lớn, các NM luôn phải nhập khẩu 50 - 70% lượng nguyên liệu từ nước ngoài do đó không kích thích phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn bởi nguyên liệu nhập ngoại khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 20 - 25%.

Hệ lụy là nhập siêu, là không thúc đẩy được sản xuất trong nước, nông dân không có việc làm, không có thu nhập. “Tại sao chúng ta lại không chủ động phát huy nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo phương thức công nghiệp hay bán công nghiệp, đảm bảo chất lượng và an toàn dịch bệnh, năng suất, chất lượng để cạnh tranh với hàng nhập khẩu” - bà Mây nói.

ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định): “Thực ra không phải là năm 2010 mà đã lâu chúng ta đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng tầm của nó. Đầu tư cho nông nghiệp năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư cho xã hội, trong khi GDP của ngành này là 20,91%. Trước đó năm 2008 thì tỉ trọng này còn cao hơn một chút, tức là 6,45% và vào năm 2005 cách đây 5 năm thì còn được 7,50%, vào năm 2000, cách đây 10 năm còn được 13,85%. Nhưng từ đấy đến nay cứ giảm dần, giảm dần và chỉ còn 6,26%. Tôi e rằng năm 2011 sẽ còn giảm nữa và nếu như vậy sẽ gây tác động không tốt cho ngành nông nghiệp”.

Vấn đề ở đây là Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, tái cơ cấu lại quỹ đất, vùng nguyên liệu sản xuất, đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản. Ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng hiệu quả cao trên 1 đơn vị diện tích canh tác, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Đồng tình với việc phải san sẻ gánh nặng cho người dân nông thôn, ĐBQH Trần Hồng Việt – Hậu Giang cũng cho rằng Chính phủ cần tăng thêm đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho khu vực nông nghiệp và nông thôn như giao thông, thủy lợi, điện và nguồn nhân lực. Ông Việt khẳng định chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn quá thấp, thiếu đồng bộ chính vì vậy mà sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sản lượng đều tăng vượt kế hoạch nhưng giá trị tăng thêm của ngành lại không đạt kế hoạch.

 Ví dụ về bất cập chính sách, ông Việt nói: “Việc trợ cấp lãi suất cho các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực VN mua lúa dự trữ thực chất là lợi ích nhóm của doanh nghiệp chứ không phải là lợi ích đích thực cho nông dân, vì khi vào vụ thì rớt giá. Hiệp hội LTVN và Bộ Công thương không biết dự báo giá gạo thế giới như thế nào mà trong vụ đông - xuân và hè - thu sớm vừa rồi nông dân ồ ạt bán lúa với giá rẻ mạt, nay hết vụ giá cao ngất ngưởng, nông dân hoàn toàn bất lợi”.

Đầu ra cho sản phẩm hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, có lúc được mùa lại mất giá, giá cả không ổn định, gây thiệt thòi cho người nông dân. Đây là điểm yếu của kinh tế nông nghiệp từ nhiều năm nay nhưng Chính phủ chưa có giải pháp hữu hiệu. ĐB Lê Thanh Liêm, tỉnh Long An bức xúc: “Không thể để nông nghiệp, nông thôn và cuộc sống người nông dân cứ tuần tự như thế, Chính phủ phải có tác động sâu sát hơn đến việc xuất khẩu lúa gạo và nhiều mặt hàng nông sản khác, phải làm sao để người nông dân và những nhà xuất khẩu cùng chung một nhịp khi được mùa và được giá, lợi nhuận được san sẻ sòng phẳng cho người sản xuất và người kinh doanh, kể cả lúc khó khăn người nông dân cùng chung sức với doanh nghiệp, với Chính phủ”.

Phải tăng ngay vốn cho “Tam nông”

Mô hình liên kết 4 nhà hiện còn lỏng lẻo, chưa phát huy hiệu quả. Chính phủ phải xác định rõ trách nhiệm từng nhà đến đâu, cơ chế ràng buộc giữa các nhà nhằm thúc đẩy sản xuất. Và nên bổ sung thêm 1 nhà trong mô hình liên kết 4 nhà, đó là nhà trường, vì muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững thì người nông dân phải được đào tạo bài bản, nhà trường có trách nhiệm đào tạo nông dân theo nhu cầu ngành nghề...

ĐB Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, giống, đất đai, thổ nhưỡng. Trong khi đất SX lại manh mún nên đưa cơ giới vào đồng ruộng rất khó khăn. Chất lượng lúa ĐBSCL không đồng nhất, do kỹ thuật chăm sóc của nông dân không giống nhau từ khâu chọn giống, chọn phân bón, chăm sóc đến khâu thu hoạch và chế biến sau thu hoạch cũng không đồng nhất. Do vậy theo các chuyên gia XK lúa gạo thì chất lượng gạo của Việt Nam thấp, tỷ lệ tấm ở mức cao, kém lợi thế cạnh tranh.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, ĐB Lễ đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu xây dựng một bộ giống cây lương thực chuẩn và ổn định. Từ đó có thể sản xuất đại trà tạo ra một sản lượng lương thực hàng hóa lớn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời đề nghị các địa phương sớm hoàn thành quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm cả việc quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên canh lớn, trong đó quan tâm đến quỹ đất nông nghiệp ổn định, đặc biệt là đất trồng cây lương thực, không cho lấy đất trồng lúa để sử dụng sang việc khác, nhằm giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất lâu dài và có điều kiện thâm canh, chuyên canh sâu trên thửa ruộng của mình. Nhà nước nên tiếp tục triển khai việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020.