00:00 Số lượt truy cập: 2666682

Đẩy mạnh chăn nuôi - cần sự chung tay từ nhiều phía 

Được đăng : 03/11/2016

Từ khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, chưa bao giờ tình hình chăn nuôi lại “sốt” như năm nay. Khắp từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng xảy ra tình trạng giá thực phẩm tăng cao, vượt quá “túi tiền” của người bình dân. Các địa phương và Chính phủ phải mở nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp để đẩy mạnh chăn nuôi, quản lý phân phối thực phẩm nhằm giảm giá thịt lợn, gà… bảo đảm cuộc sống, góp phần bình ổnthị trường.



Những tháng gần đây, giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, thịt gà liên tục vượt mốc. Nếu trước tết Nguyên đán Tân Mão, 1kg thịt lợn ngon vẫn chỉ dưới 100 ngàn đồng, còn phổ biến 75-85 ngàn đồng, thì từ tháng 4 trở lại đây ít khi có thịt dưới 100 ngàn đồng/kg. Nhiều lúc, nhiều nơi giá thịt lợn ngon đã chạm mức 150 ngàn đồng. Thịt lợn hơi cuối năm ngoáichỉ 40- 45 ngàn đồng/kg mà khách mua còn ngắm ngược, ngắm xuôi, chê ỏng, chê eo mãi mới kết cho. Thế mà vừa rồi ra giá tới 70-80 ngàn đồng/kg gia chủ còn được “cầm tiền trước”. Nguyên nhân tăng giá thực phẩm nói chung, thịt gia cầm, thịt lợn - thực phẩm cơ bản nhất trong cơ cấu bữa ăn của dân ta nói riêng, do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, giảm sút sản xuất, tác động tăng giá toàn xã hội và nhất là do thức ăn và giá giống tăng cao.

Từ lâu,hầu hết các hộ chăn nuôi, nhất là hộ nuôi với quy mô lớn, trang trại đã sử dụng con lai, cám công nghiệp. Với lợn là loại siêu nạc, lợn lai đạt từ 50% máu ngoại trở lên. Với gà, vịt, ngan là các loại giống siêu trứng, siêu nạc, có nguồn gốc ngoại. Nếu trước đây người nông dân phải “cọc cạch” nuôi 5-6 tháng mới được lứa gà, vịt, gần một năm mới được lứa lợn thì nay sử dụng con lai, thức ăn cám công nghiệp nên chỉ cần 3-4 tháng là được một lứa gia cầm, 4-5 tháng là được một lứa lợn. Nhờ áp dụng kỹ thuật cộng với đầu tư vốn, lao động mà quy mô chăn nuôi tăng lên rất nhiều. Những hộ nuôi một lứa từ vài trăm đến vài ngàn gà, vịt, vài chục đến vài trăm đầu lợn hiện rất nhiều. Nếu xét về trình độ chăn nuôi, khả năng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật của người sản xuất trên địa bàn tỉnh tạo ra khối lượng sản phẩm chăn nuôi không có gì phải băn khoăn. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và các địa phương, hiện nay năng lực tổ chức sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh không những đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ mà còn dư thừa cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng năm 2010 vừa qua, sản lượng thịt lợn hơi khoảng 71,5 ngàn tấn, thịt gia cầm 16,8 ngàn tấn, cao hơn nhu cầu của dân. Mặc dù khả năng tổ chức sản xuất như vậy song ngành chăn nuôi lại bị áp lực rất lớn từ nguồn cung cấp thức ăn công nghiệp và giá con giống và vốn để mở rộng sản xuất.

Mặc dù là nước nông nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam lại gần như hoàn toàn nhập nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Đã nhập là phải phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái, thị trường quốc tế. Từ giữa năm 2010 trở lại đây, trong bối cảnh ảnh hưởng khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường thức ăn chăn nuôi cũng đồng thời bị tác động rất lớn. Giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá (tính từ tháng 10-2010 đến tháng 7-2011 đã 7 lần điều chỉnh tăng giá); cộng với đó tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam đồng với USD cũng bị điều chỉnh tăng từ trên 18 lên hơn 20 ngàn đồng/USD làm cho giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng rất cao. Ví dụ như Lyzin tháng 6-2011đã tới gần 56 ngàn đồng/kg, tăng gần 16% so với đầu năm; Niethionin lên 115.500 đồng/kg, tăng 11%... từ đó làm cho giá cám lợn, gà,cá… đều tăng mạnh. Hiện nay giá các loại cám thức ăn chăn nuôi bình thường đều có giá từ 10-12 ngàn đồng/kg, cao hơn thời điểm này của năm trước từ 2-3 ngàn đồng/kg. Có một nghịch lý là trong bối cảnh giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi của thế giới tăng mạnh, thì nước ta lại càng nhập khẩu nhiều. Nếu trước đây ta chỉ nhập ngô, khô dầu, tinh bột xương, vitamin… thì nay ta phải nhập cả cám gạo, bột sắn. Từ đó làm cho kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng lên rất cao, góp phần làm thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (6 tháng đầu năm, ta nhập 1,1 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, dự kiến cả năm nhập trên 3 tỷ USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu gạo). Tác động khách quan trên cùng với sản xuất trong nước chủ yếu do các hãng nước ngoài chi phối, điều hành càng làm cho giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dẫn tới chi phí chăn nuôi tăng lên, nhiều người sản xuất không theo kịp.

Giá thức ăn tăng cao kéo theo đầu tư sản xuất con giống cũng tăng lên. Theo khảo sát đánh giá của các nhà chuyên môn, hiện nay giá lợn giống, gà, ngan, vịt… của ta là khá cao. Giá lợn giống thời điểm này vào khoảng 100- 120 ngàn đồng/kg, giá gà, vịt, ngan giống từ 25-35 ngàn đồng/con. Trong khi đó giá con giống tương ứng tại thị trường một số nước trong khu vực chỉ bằng từ 50-70% của nước ta. Hai yếu tố cơ bản là giống và thức ăn tăng cao đòi hỏi người chăn nuôi phải đầu tư lớn hơn, chi phí cao hơn nên yêu cầu vốn tăng lên. Đây cũng là nguyên nhân làm cho chăn nuôi khó phát triển. Một chủ trang trại ở Lâm Thao, khi được hỏi về đầu tư chăn nuôi đã thẳng thắn trao đổi: Để nuôi được một lứa lợn 100 controng thời gian từ 4-5 tháng, cần đầu tư không dưới 500 triệu đồng mua con giống và thức ăn. Với khoản tiền lớn như vậy không phải hộ nông dân nào cũng “kham” nổi, nếu không có anh em, bạn bè hỗ trợ thì chỉ có cách vay ngân hàng. Mà vay ngân hàng bây giờ vừa khó, lãi suất lại vừa cao người nuôi càng phải dè chừng. Đó là chưa kể những rủi ro từ dịch bệnh, thị trường bấp bênh…

Từ những đánh giá trên cho thấy, để khôi phục chăn nuôi qua đó tác động giảm giá thực phẩm cần có nhiều giải pháp. Thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp và PTNT đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ để giúp người sản xuất phát triển đàn gà, lợn, ngan, vịt. Ngành Công thương cũng có những giải pháp liên kết sản xuất, sử dụng quỹ bình ổn thị trường đầu tư chăn nuôi. Ngành tài chính kiến nghị giảm thuế nhập nguyên liệu nhằm kéo giá thức ăn xuống… Trước mắt các biện pháp kỹ thuật, tài chính, quản lý đã có tác động nhất định. Riêng giải pháp ngân hàng đầu tư vốn chưa được triển khai mạnh mẽ. Theo các nhà sản xuất cho biết, lúc này việc tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn, lãi suất cao được vốn cũng khó đầu tư thành công.

Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, thực phẩm. Đây là thời điểm yêu cầu tái đàn, mở rộng sản xuất có liên quan đến đảm bảo thị trường dịp cuối năm, đón Tết Nguyên đán nên các hộ, các địa phương, các ngành cần có giải pháp tích cực, hữu hiệu đẩy mạnh chăn nuôi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.