00:00 Số lượt truy cập: 3077933

Để nghề trồng hoa và cây cảnh vươn ra được biển lớn 

Được đăng : 03/11/2016
Sáng ngày (19/8) Trung tâm công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức buổi hội thảo “ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa và cây cảnh”. hội thảo đã thu hút được nhiều nhà khoa học, nông dân cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp của các tỉnh phía Nam.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, ngành sản xuất hoa, cây cảnh là một trong những ngành mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người nông dân, phù hợp với nông nghiệp đô thị nhất là Tp.HCM và các đô thị lớn. Bởi đây không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là nơi trung chuyển các loại hoa và cây cảnh của cả nước. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Canh Dần vừa qua, số lượng hoa, cây cảnh sản xuất ước khoảng 1,08 triệu chậu mai vàng, 1,7 triệu cành lan; 6,1 triệu chậu lan, hoa nền và 363.000 chậu bonsai. Tổng giá trị sản lượng hoa, cây cảnh phục vụ Tết Canh Dần khoảng 761,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Mỹ, Giám đốc Trung tâm khuyến nông TP.HCM, ngành hoa và cây cảnh vẫn đang đứng trước thách thức rất lớn, đặc biệt là vấn đề chất lượng hàng hoá nông sản nên vẫn chưa vươn ra được biển lớn. Theo ông Mỹ thì: chất lượng các loại hoa và cây cảnh của nước ta vẫn còn thấp và chưa đồng đều. Do diện tích sản xuất hoa, cây cảnh tại TP.HCM vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, nguồn giống vẫn chưa chủ động được. Đa số nông dân trồng hoa và cây cảnh ở quy mô hộ gia đình từ vài chục đến vài ngàn mét vuông. Trong khi các giống hoa như hoa lan vẫn phải nhập từ Thái Lan, Đài Loan… Chính do quy mô nhỏ lẻ và nguồn gốc giống phân tán nhập từ nhiều nguồn khác nhau đã dẫn đến chất lượng hoa không đồng đều, số lượng trên mỗi giống hoa không đủ cho thị trường nội địa, nhất là thị trường xuất khẩu trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều nông dân, nhà vườn tại TP.HCM cho biết, có những vụ được mùa hoa nhưng lại không vào đúng đợt lễ hội, ngược lại đến mùa lễ hội thì lại không có hoa để bán. Từ đó đã dẫn đến nghịch lý, lễ hội phải nhập hoa, ngày thường thì hoa thừa mứa kéo theo giá tiêu thụ hoa không ổn định khiến nông dân và nhà vườn gặp khó khăn. Theo ông Mỹ, trình độ hiểu biết của nông dân về khoa học kỹ thuật trong ngành trồng hoa chưa đồng đều, thiếu các kiến thức căn bản về đất đai, cây trồng, sâu bệnh, thiếu thông tin về thị trường, kỹ thuật, giống hoa mới… Phần lớn, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đều là do nông dân tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Uơm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao cho rằng, ngành hoa và cây cảnh muốn vươn ra biển lớn phải đặt chất lượng hàng hoá lên hàng đầu mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường vốn rất khắt khe trong xu thế hội nhập. Để làm được điều này, bắt buộc nông nghiệp phải chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông qua việc hình thành các doanh nghiệp nông sản sản xuất hàng hoá nông sản dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần có chính sách thuận lợi cho nông dân vay vốn đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hoa và cây cảnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tiếp tục hỗ trợ cây giống mới để phát triển các loại hoa chất lượng cao phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học Tp.HCM cho rằng: Chúng ta cần phải lai tạo ra nhiều giống hoa mới chất lượng cao có khả năng kháng bệnh tốt để đáp ứng ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là xuất khẩu. Ông Xô cho biết thêm: Vừa qua nhóm nghiên cứu của Trung tâm đã nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng kỹ thuật RT-PCR phát hiện virus gây bệnh trên lan và xây dựng quy trình nhân giống hoa lan sạch virus. Hiện trung tâm sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu.