Nâng cao chất lượng hàng hóa Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và kim ngạch, do không chỉ thâm nhập được vào thị trường các nước thành viên WTO, mà còn tiếp cận môi trường kinh doanh thông thoáng, hưởng lợi từ các cam kết cắt giảm thuế. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, còn có không ít khó khăn. Đó là ngày càng nhiều rào cản thương mại, hàng rào phi thuế quan do các nước nhập khẩu dựng lên dưới hình thức chống bán phá giá, chống trợ cấp, lập hàng rào tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... nhằm khống chế thị phần, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Trong bối cảnh đó, để củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, vấn đề then chốt là nâng cao chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, vấn đề sản xuất, bảo quản, chế biến của ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Chi phí sản xuất cao, điều kiện sản xuất manh mún, công nghệ chế biến lạc hậu nên 90% sản phẩm nông sản được xuất khẩu ở dạng thô. Theo ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giá trị gia tăng lớn nhất là ở khâu chế biến thì các doanh nghiệp xuất khẩu không được hưởng do chỉ bán nguyên liệu thô. “Có một nghịch lý là, nhiều loại sản phẩm hoàn toàn có khả năng chế biến trong nước với hàm lượng công nghệ và giá trị tăng cao lại phải nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Xuân nói. Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia của Hiệp hội Càphê - Cacao Việt Nam (Vicofa) cho hay, trong 2 năm gần đây, Tổ chức Càphê Thế giới (ICO) liên tiếp đưa ra những cảnh báo về tiêu chuẩn càphê Việt Nam, như không thực hiện đầy đủ Nghị quyết 420 của ICO. Theo thông báo mới nhất của ICO, tỷ lệ càphê dưới chuẩn CQP của Việt Nam lên đến 75%, trong khi Indonesia chỉ ở mức 9%. Đây là lý do khiến tỷ lệ càphê Việt Nam bị loại ở sàn giao dịch LIFFE (London, Anh) năm 2008 lên tới 60%... Cần quy hoạch đồng bộ Việc thiếu quy hoạch đồng bộ cũng dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nguyên liệu sản xuất và nhà máy chế biến. Đơn cử, từ chỗ chỉ có vài chục nghìn hecta với sản lượng đáp ứng tiêu dùng nội địa, đến nay, cả nước đã có 400.000ha điều, tổng sản lượng 350.000 tấn, bình quân mỗi năm xuất khẩu trên 150.000 tấn nhân điều, trở thành quốc gia giữ vị trí số một thế giới về xuất khẩu điều. Tuy nhiên, số lượng, công suất của các nhà máy chế biến đã vượt quá xa khả năng cung ứng nguyên liệu điều thô trong nước. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực thủy sản. Trong 3 năm trở lại đây, năng lực của các nhà máy chế biến thủy sản tăng tới 20%, trong khi sản lượng khai thác và nuôi trồng chỉ tăng 7,6%. Điều này tạo ra sức ép lớn đối với khả năng tự cân đối nguồn nguyên liệu chế biến, khiến các mặt hàng xuất khẩu luôn trong thế bị động, thiếu bạn hàng lớn và ổn định. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, trong xu thế cạnh tranh đòi hỏi hàng nông sản Việt Nam không chỉ vươn lên về công nghệ, thiết bị mà phải xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế. Hiện có tới 90% sản phẩm đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu phải “khoác” nhãn hiệu nước ngoài. Càphê Việt Nam chỉ được dùng làm chất đấu trộn cho sản phẩm càphê của các nước khác. “Nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu là yêu cầu số một đối với các mặt hàng nông sản hiện nay”, ông Tần khẳng định. “Ngành nông nghiệp và PTNT đã triển khai chiến lược cụ thể trong việc áp dụng các quy trình sản xuất, nuôi trồng sạch, hướng đến một quy chuẩn nhất quán về chất lượng”, ông Tần cho biết. |