00:00 Số lượt truy cập: 3040670

Để phát triển lúa lai bền vững ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 

Được đăng : 03/11/2016
Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) (từ thành phố Đà Nẵng đến Khánh Hoà) có diện tích đất nông nghiệp 583,8 nghìn ha; dân số 7.131,4 nghìn người. Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, ĐăkLăk, Đăk Nông và Lâm Đồng), diện tích đất nông nghiệp 1.597,1 nghìn ha; dân số 4.868,9 nghìn người.

Nếu tính lương thực 312 kg/người/năm thì vùng DHNTB và Tây Nguyên mỗi năm cần 3.744.094 tấn lương thực; trong khi khả năng sản xuất lúa trong vùng chỉ đạt 2.871.619 tấn. Vì vậy, để an ninh lương thực ở vùng DHNTB và Tây Nguyên thì con đường tốt nhất là phát triển mạnh mẽ lúa lai cả về diện tích, năng suất, chất lượng để khai thác tối đa tiềm năng sẵn có về ánh sáng và nhiệt độ cao (cường độ bức xạ ánh sáng mặt trời cao nhất nhì Việt Nam: 130-150 kcalor/cm2); có những lợi thế cạnh tranh cao để phát triển nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa lai nói riêng theo hướng sản xuất bền vững.

1. Hiện trạng sản xuất lúa lai vùng DHNTB và Tây Nguyên

Theo số liệu từ các Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2008, vùng DHNTB, diện tích lúa 388.261 ha; năng suất trung bình 48,8 tạ/ha; diện tích sản xuất lúa lai chỉ đạt 16.043 ha, chiếm 4,2% tổng diện tích lúa trong vùng. Tây Nguyên, có diện tích lúa 211.242 ha; năng suất trung bình 44,3 tạ/ha; trong khi diện tích lúa lai 15.409 ha, chiếm 7,4 % tổng diện tích trồng lúa.

Về cơ giống lúa lai hiện đang sử dụng để gieo cấy trong vùng gồm Nhị ưu 838, Bắc ưu 64, Bắc ưu 253, Bắc ưu 903, BTE-1, Nghi hương 2308 (lúa lai 3 dòng); VL20, TH3-3 (lúa lai 2 dòng). Trong đó, Nhị ưu 838 chiếm khoảng 90% lượng giống lúa lai gieo cấy trong vùng.

Sản xuất giống lúa lai F1 từ năm 2001-2008 tại DHNTB và Tây Nguyên, diện tích từ 57,8 ha (năm 2001) tăng lên 336,3 ha (năm 2007); nhưng đến năm 2008, diện tích chỉ là 176 ha. Năng suất hạt lai F1 tăng từ 13 tạ/ha (năm 2001) lên 33,5 tạ/ha (năm 2006), đến năm 2008 đạt 25,0 tạ/ha; năng suất hạt F1 trung bình 22,5 tạ/ha. Các tổ hợp lai F1 sản xuất tại các tỉnh trong vùng gồm: Nhị ưu 838, TN15, Bắc ưu 64, Bắc ưu 903 (3 dòng); VL20, TH3-3 (2 dòng).

Chất lượng hạt lai F1 các giống lúa lai 3 dòng và 2 dòng sản xuất tại các tỉnh trong vùng đều đảm bảo chất lượng theo qui định.

2. Khuyến cáo cơ cấu giống lúa lai

- Cơ cấu giống lúa lai: Duyên hải Nam Trung bộ sử dụng giống lúa lai chủ lực Nhị ưu 838, BTE-1, Nghi Hương 2308; giống khảo nghiệm sản xuất gồm BIO404, QH5, TH3-3, VL20. Tây Nguyên, sử dụng giống chủ lực Nhị ưu 838, BTE-1, Nghi hương 2308, Bắc ưu 903; giống khảo nghiệm sản xuất gồm BIO404, QH5.

- Lượng giống gieo sạ thẳng chỉ dùng 40-45 kg hạt giống/ha; gieo sạ bằng dụng cụ sạ hàng để giảm lượng giống sạ và thuận lợi việc bón phân chăm sóc.

3. Những giải pháp chủ yếu

3.1. Ứng dụng và nhân nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật về lúa lai

- Du nhập, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống lúa lai triển vọng thích hợp cho vùng, ưu tiên phát triển các giống lúa lai năng suất cao, chất lượng gạo tốt, cơm ngon và giá hạt giống thấp.

- Tiếp tục khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng các giống lúa lai do Việt Nam lai tạo để nhanh chóng đưa các giống lúa lai tốt vào cơ cấu sản xuất trong vùng để chủ động hạt giống trong mọi tình huống.

- Tổ chức sản xuất các giống lúa lai F1 nằm trong cơ cấu sản xuất của vùng để giảm giá thành sản xuất và chủ động hạt giống cho nông dân trong vùng.

3.2. Phải có chính sách kích cầu thích hợp

- Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa lai thông qua các mô hình khuyến nông như hỗ trợ giống, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu bệnh thiết yếu...

- Hỗ trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông thuỷ lợi, điện cho địa phương (tỉnh, huyện) để hình thành các khu ''Công nghiệp giống" chuyên canh sản xuất lúa lai trong vùng.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hạt lai F1 tại các tỉnh trong vùng bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau như khuyến nông, tín dụng...

3.3. Tăng cường quản lý nhà nước về lúa lai trong vùng

- Cục Trồng trọt cần tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT nhanh chóng soát xét và công nhận đưa vào sản xuất các giống lúa lai tốt triển vọng phục vụ sản xuất trong vùng.

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra công tác khảo nghiệm, kiểm định, kiểm nghiệm và hậu kiểm giống lúa lai; để chủ động trong công tác quản lý chất lượng lúa lai được tốt hơn ở trong vùng và trong nước.

3.4. Chính sách khoa học công nghệ và đào tạo

- Cần hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên để khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng.

- Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất lúa lai trong vùng.

- Đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về công nghệ lúa lai. Hình thành mạng lưới gắn kết giữa chuyên gia lúa lai với doanh nghiệp sản xuất giống và nông dân làm lúa lai.