Đề phòng khô hạn trên diện rộng
Được đăng : 03/11/2016
* Cần có biện pháp sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thuỷ văn TW, tổng lượng mưa hai tháng 10 và 11 trên pạm vi cả nước ở mức thấp hơn TBNN; trong đó, tổng lượng mưa tháng 10 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thiếu hụt 50-80%, các khu vực khác 30-60%.
Nhiều nơi hầu như không có mưa. Nguồn nước thượng nguồn các sông tiếp tục giảm dần và ở mức thấp hơn TBNN 15-30%. Do ảnh hưởng của điều tiết hồ Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang, nguồn nước hạ du sông Lô và sông Hồng (từ Tuyên Quang về Hà Nội) ở mức rất thấp, chỉ đạt từ 40-60% TBNN. Mực nước thấp nhất tại Hà Nội là 1.69m (ngày 2-12), thấp nhất trong hơn 100 năm qua. Hiện tại mực nước các sông, suối tiếp tục giảm, trên sông Hồng tại Hà Nội đang dao động ở mức 2m, thấp hơn TBNN 1.7-2m.
Dòng chảy trên các sông ở Bắc Bộ có khả năng nhỏ hơn TBNN khoảng 15-30%; trên các sông, suối thuộc các tỉnh vùng núi Đông Bắc và trung du Bắc Bộ thiếu hụt nhiều hơn phía Tây Bắc và vùng núi phía Bắc.
Trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng nước trung bình mùa cạn (từ tháng 11-2006 đến tháng 4-2007) ở mức 700-900m3/giây (TBNN là 1.200m3/giây). Mực nước thấp nhất tại trạm thuỷ văn Hà Nội có khả năng ở mức 1.4m, xuất hiện vào khoảng tháng 2 đến tháng 3-2007. Các khu vực khác ở Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, dòng chảy giảm dần.
Mùa khô, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ thiếu hụt so với TBNN khoảng 20-40%; Các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng và xâm nhập mặn từ tháng 2 đến tháng 4-2007.
Do ảnh hưởng của hiện tượng En-ni-nô, trong vụ đông xuân 2006-2007 cần đề phòng tình trạng thiếu nước, khô hạn trên diện rộng và tình trạng mặn xâm nhập sâu ở vùng cửa sông. Cần chủ động có các biện pháp quản lý và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, phù hợp từng vùng, từng địa phương để tránh thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất.