Tháng 7-2009, giá lúa ở ĐBSCL tăng trở lại và bình ổn ở mức 4.000 – 4.700 đồng/kg (tùy loại). Khả năng Việt Nam xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm 2009 là rất cao. Đây là bước ngoặt mới nhưng cũng cần nhìn lại cách điều hành xuất khẩu gạo để đảm bảo tăng lợi nhuận cho nông dân.
Chuyên nghiệp hóa xuất khẩu gạo!
Sau vụ Công ty Du lịch và Thương mại Kiên Giang “đấu tố” Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) gây khó dễ trong xuất khẩu gạo, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, cho rằng, phải xem lại việc phân vai giữa nhà nước - hiệp hội - doanh nghiệp xuất khẩu - người sản xuất và chính quyền các địa phương trong các khâu sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực.
Ông bức xúc: “Làm không bài bản, tình hình mới lộn xộn. Chuyện này khiến tôi liên tưởng tới chuyện xuất khẩu thanh long và nhiều mặt hàng khác. Doanh nghiệp vì lợi ích, bán hàng chất lượng kém, làm mất thương hiệu Việt Nam. Chính quyền địa phương yêu cầu người dân trồng cây này, nuôi con này, nhưng khi nông dân hỏi lại, trồng rồi, nuôi rồi thì bán cho ai, giá cả ra sao thì không thể trả lời… Làm sao nông dân chịu nổi”.
Theo tính toán của sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, giá thành lúa hè thu cao hơn vụ đông xuân 500 – 700 đồng/kg. Trong khi giá lúa hè thu hiện nay thấp hơn vụ đông xuân 800 – 1.000 đồng/kg. “Tình hình tiêu thụ lúa sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Tại Đồng Tháp, lúa chất lượng thấp (như giống IR 50404) chiếm đến 30% diện tích. Nông dân đang thấp thỏm trông chờ vào xuất khẩu” – ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, lo lắng. Theo ông, nếu VFA không đa dạng hóa xuất khẩu gạo (gạo 5%, 15%, 25% tấm), tình trạng lúa IR 50404 tồn đọng trong dân sẽ tái diễn như năm ngoái.
TS Trần Du Lịch phân tích: “Nhà nước cần quy định rõ những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo phải lo kho dự trữ ra sao, cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực như thế nào? Giữ trong kho bao nhiêu để đảm bảo an ninh lương thực? Không thể để doanh nghiệp thích mua thì mua, thích bán thì bán”.
Trong tháng 5-2009, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về điều hành xuất khẩu gạo, quy định hoạt động xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
VFA được giao điều phối cụ thể hoạt động xuất nhập khẩu lúa gạo, phân công tổ chức các công ty lương thực nhà nước thực hiện các biện pháp bình ổn giá, kiểm soát thị trường lúa gạo... Đây là bước tiến quan trọng nhằm từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động xuất khẩu gạo cũng như chế tài và ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Tăng “liên kết vùng và tham gia 4 nhà”
ĐBSCL mỗi năm sản xuất khoảng 20 triệu tấn lúa, xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, góp phần đưa Việt Nam lên vị thế nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhưng tại sao nông dân vẫn nghèo, thu nhập thấp, sinh kế khó khăn?
Nhìn lại chuỗi cung ứng lúa – gạo tại thị trường nội địa: Nhà cung ứng đầu vào -> nông dân -> thương lái -> nhà chế biến – xay xát -> người bán sỉ/công ty -> người bán lẻ -> người tiêu dùng, không ít người lo ngại.
Một thống kê cho thấy: 50% công việc do nông dân đảm nhận nhưng họ chỉ nhận 11% tổng giá trị tăng thêm. Trong khi đó 9,6% công việc thuộc về người bán buôn nhưng họ lại nhận đến 66,8% tổng giá trị tăng thêm. Sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của chuỗi giá trị này cũng là nguyên nhân làm cho nông dân vẫn nghèo. Giảm trung gian tiêu thụ sẽ làm tăng giá trị hạt gạo và có lợi cho nông dân, nhưng ai sẽ đảm trách công việc này?
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất: “Đối với cây lúa ở ĐBSCL, “liên kết vùng và tham gia 4 nhà” rất quan trọng. Liên kết sẽ giúp thực thi các kế hoạch và chiến lược sản xuất lúa và an ninh lương thực. Qua đó, tìm sự đồng thuận từ những nguồn lực nhà nước, xã hội để sản xuất và tiêu thụ nhằm gia tăng thu nhập cho nông dân”.
Cần một giải pháp phát triển thị trường lúa gạo căn cơ, lâu dài để kích thích và ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận cho nông dân. Trước nhất, cần nghiên cứu xây dựng thương hiệu lúa gạo, giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường, bảo đảm chất lượng, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập. Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường và thông tin quảng bá. Nếu làm tốt khâu này, nông dân dễ dàng quyết định sản xuất, giảm thiểu rủi ro do hàng hóa dư thừa và rớt giá.