00:00 Số lượt truy cập: 3064087

Đến năm 2020, đưa Công nghệ sinh học thuỷ sản Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực 

Được đăng : 03/11/2016

Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 29/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 97/2007/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020".


Nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu thủy sản

Mục tiêu tổng quát của Đề án: nghiên cứu tạo ra các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, các chế phẩm CNSH và ứng dụng vào sản xuất phục vụ nuôi trồng và phát triển thủy sản; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến, tăng tỷ lệ thủy, hải sản được chế biến bằng CNSH và nâng cao sức cạnh tranh, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Mục tiêu đến năm 2020, đưa CNSH thủy sản đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp CNSH vừa và nhỏ, hoạt động có hiệu quả phục vụ tốt việc nuôi trồng, phòng trị bệnh và chế biến thủy sản. Đồng thời, bảo đảm 100% nhu cầu giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực có chất lượng cao, sạch bệnh, phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau; sản lượng các đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực tăng 30% nhờ phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản.

Xây dựng tiềm lực phục vụ phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản

Đó là một trong các nhiệm vụ chủ yếu của Đề án. Cụ thể, tiến hành đào tạo nguồn nhân lực theo hình thức như gửi một số cán bộ khoa học đã có học vị tiến sỹ, thạc sỹ đến các nước có nền CNSH thủy sản phát triển để đào tạo lại ngắn hạn từ 06-12 tháng; đào tạo trong nước các kỹ sư, tiến sỹ và thạc sỹ CNSH thủy sản theo các nội dung nghiên cứu của Đề án...

Ngoài ra, tiến hành nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R-D), triển khai sản xuất thử sản phẩm (P) phục vụ phát triển CNSH.

Tăng cường đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư

Ngoài ngân sách nhà nước, cần tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư khác từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, vốn kinh tế đối ngoại (ODA, FDI,...) và các nguồn vốn hợp tác quốc tế khác liên quan. Tổng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung của Đề án trong 10 năm đầu dự kiến khoảng 500 tỷ đồng.

Song song với giải pháp trên, Đề án đã đưa ra một số giải pháp khác, như đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ, tạo lập thị trường đầu tư thuận lợi; tăng cường tiềm lực cho CNSH thủy sản về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNSH thủy sản.