Trước đây, sau khi nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, người Pháp đã lập nên các đồn điền trồng cà phê trên vùng đất này. Tổng diện tích cà phê của Di Linh trước năm 1975 chỉ có 750 ha. Sau ngày miền Nam giải phóng, trong thời kỳ đầu huyện xác định chủ trương: vừa lo cho dân cái ăn, cái mặc bằng cách khôi phục, phát triển cây lương thực để đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa vận động nhân dân phát huy thế mạnh vùng cây công nghiệp để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống và làm giàu cho quê hương. Trong các loại cây công nghiệp, cây cà phê chiếm ưu thế hơn. Huyện đã có nhiều chủ trương và giải pháp khuyến khích phát triển cây cà phê, như: giải quyết tốt công tác định canh định cư, lập vườn hộ, tổ chức gieo ươm cây giống rồi cung cấp tận nơi cho bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa trồng mới. Mặt khác, tập trung đội ngũ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân trồng và thâm canh cà phê. Phong trào trồng cà phê bắt đầu có chiều hướng phát triển từ năm 1984. Trong thời gian cuối thập kỷ 80 và đầu những năm 90, diện tích cà phê trồng mới liên tục tăng. Nhất là vào thời kỳ cao điểm năm 1994 đến năm 2005, giá cà phê tăng lên 30.000 - 40.000đ/kg nhân, thì Di Linh có tốc độ trồng mới cà phê tăng như "vũ bão", có năm toàn huyện trồng mới tới 3.500 - 4.000 ha cà phê. Không chỉ người dân ở địa phương mà ở các nơi khác cũng tập trung về đây trồng cà phê. Đến năm 1996 diện tích cà phê của huyện đã tăng lên 23.000 ha và đến năm 2005 đã là gần 40.000 ha. Trong thời gian 3 - 4 năm gần đây, tuy sản phẩm cà phê có gặp nhiều khó khăn nhưng diện tích cà phê trồng mới vẫn tiếp tục được mở rộng. Theo số liệu mới nhất tính đến 6/2009 tổng diện tích cây cà phê trong toàn huyện là: 41.253 ha chiếm gần 70% đất nông nghiệp. Trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 39.850 ha đạt sản lượng trên 90.511 tấn cà phê nhân, đem lại giá trị sản xuất 2.265 tỷ chiếm 81% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Với tốc độ phát triển diện tích cà phê nhanh như vậy, thực sự cây cà phê đã trở thành cây chuyên canh trên mảnh đất Di Linh. Tuy đã hình thành được vùng chuyên canh cây cà phê nhưng theo ông Nguyễn Thế Tiền – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Di Linh: Diện tích cà phê phát triển khá nhanh nhưng không theo quy hoạch, cơ cấu giống chưa hợp lý, chưa phân loại cà phê, sản phẩm chủ yếu là cà phê nhân xô nên giá thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Để khắc phục những tồn tại và khó khăn trên UBND huyện đã đưa ra những giải pháp thiết thực như: giảm diện tích với những nơi không thích hợp, xác định cơ cấu giống cho từng nơi, củng cố hệ thống vườn đầu dòng các dòng cà phê, chọn các giống có năng suất, chất lượng cao để phục hồi diện tích cà phê lơn tuổi, tập trung chăm sóc tốt diện tích cà phê trong thời kỳ kinh doanh, nâng cấp các công trình giữ nước, ổn định diện tích cà phê khoảng 41.000 – 42.000 ha. Tăng cường quản lý chất lượng cà phê, hạn chế tối đa việc xuất khẩu cà phê xô, các công ty, doanh nghiệp thu mua phải đầu tư phát triển mạnh công nghệ chế biến nâng cao chất lượng cà phê nhất là chế biến sâu đồng thời tích cực quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tin rằng với chiến lược phát triển lâu dài, vùng chuyên canh cây cà phê Di Linh sẽ phát triển tương xứng với tầm vóc của huyện, sản phẩm cà phê Di Ling sẽ ngày càng vươn xa. |