“Nhiệm kỳ” của bão là 3 năm, còn chu kỳ của cây keo lai thì ít nhất cũng phải 4 năm. Cây gần tới độ thu hoạch thì bị bão đánh tới tấp, cây gãy, người cũng muốn gãy theo. Chừ không biết trồng cái cây chi đây?... Nhìn lên những vạt rừng xơ xác sau bão số 9 trên núi Phò Nam bên kia sông Cu Đê, ông Đỗ Viết Vĩ, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hòa Bắc, ngán ngẩm phân trần với chúng tôi.
Bão số 9 tuy không dữ dằn như bão số 6 năm 2006, nhưng cũng đã khiến cho nông dân Đà Nẵng nói chung, Hòa Vang nói riêng lao đao không ít. Nói dân dã như ông Nguyễn Quang Nga, Chủ tịch Hội ND thành phố Đà Nẵng, ND đã bị bão lũ “đánh chết ngắc rồi”, muốn gượng dậy cũng khó. Các xã có diện tích trồng rừng lớn ở huyện Hòa Vang như Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú... đã tan hoang 3 năm trước, chừ càng thêm điêu đứng vì thiên tai.
Chẳng biết tính ra răng đây!
3 năm trước, sau bão số 6, lần đầu tiên hơn 150 hộ người Cơtu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc, được giao 460ha đất trồng rừng. Trưởng thôn Giàn Bí Đinh Văn Mai và trưởng thôn Tà Lang Trần Văn Thời là hai người được giao nhiều nhất, mỗi người trên 10ha. Được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước, bà con ai cũng thấy vui cái bụng, cắm được cây keo lai xuống đất là hy vọng một ngày “đổi đời”. Thế mà...
Anh Thời nhìn rừng keo bị gãy ngang hàng loạt như có bàn tay vô hình nào đó phạt ngang thân, giọng vẫn chưa hết thảng thốt: Bão theo họng sông Cu Đê thổi ngược lên Hòa Bắc, luần quần qua mấy ngọn núi bao quanh, rít từng cơn, rứa thì cây rừng nào chịu nổi? Lúc nhận đất, cảm thấy thừa khả năng trả nợ, anh mạnh dạn vay 81 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các kênh với từ Hội Nông dân, Phụ nữ. Chừ thì tan hoang hết, chẳng biết tính ra răng đây!
“Chẳng biết tính ra răng đây!” là câu cảm thán của hầu hết ND có rừng bị bão đánh ngã ở Hòa Vang.
Đường vào thôn An Châu, xã Hòa Phú, rẽ từ đường ĐT 604 đoạn gần cầu Đá Trắng, hơn nửa tháng sau bão, nhiều chỗ vẫn ngổn ngang cây đổ hai bên đường, lá cây các loại bắt đầu hoai mục, bốc mùa ngai ngái rất khó chịu. Trang trại của ông Lê Cổ nằm sâu bên trong, chết mấy tạ cá dưới hồ một phần cũng do môi trường nước chưa được sạch. Ông vừa từ rừng về, quăng cái rựa xuống sân, khoát vội miếng nước rửa mặt, rồi vào đề luôn: Mất chừng đó cá thì nhằm nhò gì, hơn 70 ha keo lai trên rừng hư hết hơn một nửa, tính ra thất thu cũng tới bạc tỷ!
Năm 2006, rừng keo của ông bị thiệt hại nặng, gần như trồng lại từ đầu với hơn 10 vạn cây con. Tổng số tiền khắc phục thiệt hại này lên gần 300 triệu đồng, ngoài tiền nhà, ông phải vay Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam 180 triệu đồng, vay các kênh khác 30 triệu đồng.
Đưa tay chỉ mấy khúc cây keo lai còm cõi mà cha con ông vừa tha trên rừng về vứt ngổn ngang bên mấy bụi tre Điền Trúc, ông buông giọng chát ngắt: Dự trù sang năm bán gỗ trả nợ, rứa mà “ổng” đánh một trận tan hoang hết, nhìn rừng mà rưng rưng nước mắt. Công ty Lâm đặc sản cho vay tiền để sau mình bán lại cây làm nguyên liệu giấy, chừ cây ngã chẳng biết tính răng đây!
Thiệt đơn thiệt kép
Xã Hòa Phú hiện có 2.171ha rừng trồng cây keo lai từ 2 - 3 năm tuổi, hầu hết đều được trồng từ sau bão số 6. Nếu bình yên vô sự, mỗi ha keo lai cho lợi nhuận 30 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí. Nhưng khi bão ập đến, thu nhập từ cái cây đầy hứa hẹn này cũng rớt theo. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, người trồng rừng bình quân mất đứt một nửa lợi nhuận, ước giá trị thiệt hại cây rừng cả xã cũng phải hàng trăm tỷ đồng.
Bão lụt xảy ra, ai cũng ở nhà lo khắc phục hậu quả, công lao động vì thế mà vọt từ 70 nghìn đồng lên 120 nghìn đồng/ngày. Tiền vận chuyển cũng nhích lên một chuyến mấy chục nghìn đồng, đó là chưa kể thời gian vận chuyển lâu hơn vì phải lo dọn dẹp đường sá. Cây thì gãy đổ, phơi nắng mấy ngày trời nên xốp, nhẹ ký, gây thiệt hại đáng kể. Trong khi đó, giá thu mua mỗi tấn đã rớt từ 650 nghìn trước bão xuống còn 610 nghìn đồng sau bão.
Thêm vào đó, cũng theo ông Vân, một số ND bị thiệt hại do việc cấm lưu thông xe công nông, ba gác, xe tự chế 3, 4 bánh. Các khu rừng sâu xe tải không vào được, xe công nông thì bị cấm. ND đành “phú luôn cho trời”, chứ nếu khai thác mà dùng nhân công vác ra ngoài đường lớn thì hết lời. Vẫn biết, việc cấm xe công nông lưu thông là đúng, là cần thiết, bởi loại phương tiện này là một trong những nguy cơ gây ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đối với các hộ ND trồng rừng giữa nơi chỉ độc xe công nông mới có thể đi lại được, thiết nghĩ, Nhà nước cũng nên chủ trương mở ra một hướng nào đó hợp tình hợp lý nhằm giải quyết đời sống dân sinh.
Sẽ hết “đánh bạc” với trời?
Theo cách tính của ND, ai trồng trên 3ha rừng là thiệt hại cũng ngang ngửa bằng giá trị căn nhà cấp 4. Nhà sập hoàn toàn thì được hỗ trợ, nhưng ND vay vốn làm kinh tế bị thiệt hại thì trước mắt phải tự cứu mình là chính. Để ND có thể gượng dậy, tự tin và ổn định đời sống, về lâu về dài, cần có một chính sách hỗ trợ trong việc giãn nợ, khoanh nợ và tiếp tục cho vay mới.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vay mới để làm gì? Tiếp tục đầu tư trồng keo lai và lại phập phồng đánh bạc với trời chăng?
Ông Phan Dũng, Chủ tịch Hội ND xã Hòa Phú cho rằng, muốn chắc ăn thì nên đầu tư ngoài đồng, trong rừng một nửa, còn một nửa đầu tư ngay tại nhà như nuôi heo, bò… Ông Lê Cổ, đã “ớn” ba năm hai trận bão rồi, mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra giống cây mới, chứ trồng keo lai thì có khác chi “đánh bạc” với trời.
Loài cây mới phải “sống chung” được với bão và ít nhất phải cho thu nhập khá. Ông Phạm Tấn Dũng, Bí thư xã Hòa Bắc dự định vận động bà con Cơtu trồng cây đót, cây mây. Ông Hồ Tăng Phúc, Phó Chủ tịch xã Hòa Bắc, đề xuất trồng thầu đâu ở vùng đất thịt, loài cây thân cứng này bão vừa rồi không bị gãy. Kỹ sư Trần Mạnh, Phó Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố Đà Nẵng thì cho rằng nên phát triển đại trà cây tre Điền Trúc, giống rẻ, dễ trồng. Ông Quý, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh gọi loại tre lấy măng này là cây “làm giỡn ăn thiệt”, ông trồng mấy bụi quanh bờ ao sau mấy tháng là phủ kín hết.
Ông Vân, Chủ tịch xã Hòa Phú, trước bão đã “lên mạng” tìm ra cây khoai lang Nhật, đang được ND các nơi trồng đại trà. Ở xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, loại cây mới này đã trở thành loại cây ngắn ngày “siêu” lợi nhuận với giá 1kg khoai củ là 4.500 đồng, nếu trái vụ nhảy lên tới 7.000 đồng/kg. Ông Vân dự định khắc phục xong hậu quả bão lụt, sẽ cử đoàn vào trong đó tham khảo, học tập. Nếu trồng được cây khoai lang Nhật, ND sẽ không phải phập phồng mỗi mùa bão về. Ông tin rằng, các cơ quan chức năng cũng sẽ nỗ lực đi tìm một giống cây mới khả dĩ bảo đảm đời sống dân sinh của người nông dân.
Kỹ sư Trần Mạnh, Phó Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến ngư - nông -lâm thành phố Đà Nẵng:
Keo lá tràm, còn gọi là keo lá nhỏ, có chu kỳ kinh doanh từ 8 - 10 năm. Keo tai tượng, còn gọi là keo lá to, có chu kỳ kinh doanh 5 - 8 năm. Do đặc điểm sinh trưởng khá nhanh, thích nghi rộng, nên hai giống keo này được chọn trồng phủ xanh đất trống đồi trọc và cho nguyên liệu bột giấy. Mấy năm trở lại đây, thị trường xuất hiện loại keo lai giống từ hai loại keo này, gọi là keo lai có nhiều ưu điểm: chu kỳ ngắn hơn (chỉ 4 - 5 năm), cho bột giấy trắng hơn, nhất là cứng và khó gãy hơn.
Cây khoai lang Nhật (Beniazuma) được Công ty Thực phẩm Đà Lạt - Nhật Bản (DJF) nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 1999. Mỗi tháng công ty cần 500 tấn nguyên liệu như:
Bắp ngọt, bí đỏ... để chế biến thực phẩm và xuất khẩu, trong đó khoai lang Nhật chiếm khoảng 200 tấn. Khoai lang Nhật thích hợp với đất cát pha, đất bazan, sau khi trồng 100 ngày có thể thu hoạch được, nếu củ không còn rễ con.