00:00 Số lượt truy cập: 3082793

Đi xem công nghệ chăn nuôi… không phân 

Được đăng : 03/11/2016

Một công nghệ chăn nuôi độc đáo cùng cách tiếp thị cũng rất độc chiêu, đậm chất Trung Quốc đã khiến cho mấy chục chủ trang trại người Việt trong chuyến đi tham quan về đệm lót sinh thái trong chăn nuôi ở Nam Ninh mê như điếu đổ…


“Tiền tươi, thóc thật” lên đường

Đông đảo khách tham quan mô hình
Vừa rồi gặp tôi sau chuyến đi Nam Ninh (Trung Quốc) về Cục trưởng Cục chăn nuôi Hoàng Kim Giao níu lại, hồ hởi xen lẫn thán phục: “Mình thấy họ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái vừa đơn giản vừa dễ áp dụng và đặc biệt không có tí mùi nào đâu. Chính mình với mấy thầy bên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội mới sang đó, tận tay bốc phân lợn tại chuồng đưa lên mũi ngửi mà cũng chẳng hề thấy thối. Có dịp, cậu sang đó mà tìm hiểu cho thật kỹ công nghệ của họ thì tốt quá”.

Những lời của ông Giao đã khiến trí tò mò của tôi dâng cao cực độ, đầu óc tôi chỉ nghĩ mọi cách để có chuyến đi thực tế xem thực hư thế nào. Và, tôi may mắn “túm áo” được anh Vũ Gia Mừng, Tổng Giám đốc Cty Thiết bị Công nghệ Hoa Kỳ - đơn vị đang tìm cách nhập khẩu công nghệ đệm lót sinh thái này. Anh Mừng tổ chức đoàn các chủ trại ở Việt Nam đi tham quan học tập bên Nam Ninh để tiếp thị sản phẩm nên tôi bám càng xin theo. Lần trước, đoàn đi khoảng 80 người, lần này, tuy mới đánh tiếng nhưng đã tập hợp được 40 chủ trại ở HTX Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) và Tiên Lãng (Hải Phòng) đăng kí tham gia. Toàn là bỏ “tiền tươi, thóc thật”, giá mỗi suất đi cỡ tấn thóc nhưng anh Mừng bảo nhỏ tôi rằng phải gạt đi rất nhiều người, bố trí đi đợt sau vì chỉ nghe tin có công nghệ đệm lót sinh thái, đã có chừng 200 chủ trại nằng nặc đòi đi.

Anh Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông, người hăng hái nhất đoàn thổ lộ: “HTX có trên 100 chủ trại, chăn nuôi với quy mô lớn nên vấn đề môi trường trở thành một nỗi lo canh cánh ngày đêm. Mặc dù từ năm 2006, một số chủ trang trại chăn nuôi ở Cổ Đông, đi đầu là trang trại của tôi có quy mô lớn nhất với 800 con lợn nái, 4.000 con lợn thịt, 1.000 con lợn rừng và hơn 1.000 con cá sấu, nhím... đã đầu tư dây chuyền sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi, ngoài ra một số hộ đã xây dựng hầm bi-ô-ga để lấy chất đốt, bảo vệ môi trường nhưng số hộ có điều kiện đầu tư khép kín như vậy chưa nhiều. Mới đây, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã về địa phương, giúp dân Cổ Đông thẩm định mô hình thiết kế quy trình và làm dự án xử lý chất thải chăn nuôi cũng xuất phát từ bức xúc ô nhiễm chăn nuôi.

Theo mô hình này, HTX sẽ được hỗ trợ 25% kinh phí để xử lý môi trường nên các chủ trang trại chăn nuôi ở Cổ Đông đang chờ dự án triển khai để giảm bớt gánh nặng chi phí xử lý chất thải. Thế nhưng, xem ra mối hoạ về môi trường chăn nuôi vẫn còn lơ lửng phía trước. Đã có nhiều vụ kiện cáo liên quan đến việc các trại chăn nuôi thải chất bẩn gẫy ô nhiễm môi trường dân cư xung quanh. Thế nên nghe tin Trung Quốc có công nghệ chăn nuôi dùng vi sinh vật để xử lý chất thải, anh em chúng tôi phấn khởi lắm. Bản thân tôi cũng đã đi Trung Quốc mấy lần tìm hiểu về cách xử lý chất thải của họ, nay nghe phong thanh thêm cách mới này vẫn tích cực đi”.

Anh Bản, một chủ trang trại ở huyện Tiên Lãng, bảo với tôi: “Chúng tôi vẫn chủ yếu nuôi xen với khu dân cư nên ô nhiễm môi trường, nhà mình hứng chịu đầu tiên rồi mới đến hàng xóm láng giềng. Ô nhiễm quá, nhiều khi mất cả tình anh em, láng giềng vì mâu thuẫn. Chúng tôi đi lần này cũng bởi tò mò về công nghệ chăn nuôi không thải phân của người Trung Quốc và quyết học cho bằng được”.

Chuyện xử lý chất thải chăn nuôi không còn quá lạ ở Việt Nam. Theo anh Vũ Gia Mừng, ngay từ năm 1999, anh đã cùng PGS.TS Nguyễn Khắc Tuấn - Khoa Chăn nuôi Thú y (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã thử nghiệm vi sinh vật xử lý chất thải chăn nuôi ở Xí nghiệp Gà giống Lạc Vệ (Cty Dabaco). Hồi đó vi sinh vật gốc mua ở Nhật, 1 gram có khoảng 4 triệu con, được nhóm tác giả nhân lên thành sơ cấp, thứ cấp rồi đưa ra thử nghiệm trộn với chất độn chuồng. “Có thể chưa có quy trình chuẩn, hoàn thiện nên hiệu quả xử lý mùi hôi thấp. Kiểm tra dưới kính hiển vi, sau một thời gian chúng tôi thấy chủng vi sinh vật ít đi và số lượng vi sinh vật cũng ít đi mà theo lý thuyết đáng lẽ chúng phải nhân lên, sinh sôi thêm.

Thử nghiệm không thành công vì hiệu quả khử mùi không cao, mọi cái chỉ dừng lại ở đó. Hiện công nghệ vi sinh vật dùng cho chăn nuôi trên thế giới có những nước rất phát triển như Mỹ, Nhật, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… Mấu chốt của vấn đề là trình độ tổ hợp vi sinh vật của họ rất cao, có thể tổ hợp hàng chục, hàng trăm chủng kết hợp với nhau, không bài trừ nhau để phục vụ cho mục đích mình mong muốn”.

Câu chuyện cứ thế rôm rả diễn ra trên suốt hành trình đoàn chúng tôi đi đường bộ, qua cửa khẩu Hữu Nghị rồi một mạch thẳng tiến đường cao tốc dài cỡ 250km về Nam Ninh - thủ phủ của tỉnh Quảng Tây thuộc khu tự trị dân tộc Choang. Nghe hướng dẫn viên người Choang, anh Phan Vệ Cách thuyết trình: “Ở Quế Lâm nuôi trâu, bò, ngan, lợn đều dùng vi sinh vật làm chất độn chuồng, hàng ngày có các đoàn khách tham quan trong nước có, ngoài nước có đến xem đông vui lắm. Thứ Bảy hàng tuần đều có buổi miễn phí tham quan, hướng dẫn. Quý vị sẽ thấy chăn nuôi trên đệm lót sinh thái nhiều cái vui lắm! Lợn vui, gà vui, nhân viên quản lý vui, chủ trại cũng vui”.

Nhiều người không hiểu lợn vui, gà vui là gì nhưng đều thắc mắc tại sao thành phố xanh, sạch đẹp nhất nhì Trung Quốc như Nam Ninh lại có các trại chăn nuôi? Phải chăng họ cũng nuôi lẫn với khu dân cư như ta? Hoá ra không phải, tiếng là đi thăm trại ở Nam Ninh nhưng xe chạy ra khỏi trung tâm thành phố chừng vài chục km, qua cả vùng ngoại ô đi vào một con đường đất, nơi có những nhà cửa hệt như nông thôn Việt Nam, thậm chí còn tồi tàn hơn vì xây chủ yếu bằng tường đất hoặc tường gạch nhưng không trát.