Dịch LMLM náo động đại ngàn
Được đăng : 03/11/2016
Hàng trăm con trâu bò chết và mắc bệnh, người dân bức xúc vác trống lên trụ sở UBND xã đánh; một bà mẹ trên 80 tuổi bị bắt làm con tin; chính quyền xã thờ ơ trước đại dịch…là những diễn biến vừa xảy ra ở xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Trang trại “trên trời rơi xuống”
Vượt hàng trăm cây số đèo dốc cheo leo hiểm trở, cuối cùng chúng tôi cũng đến được xóm Rào Mắc, nằm sâu trong hốc núi thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn- nơi đang xảy ra đại dịch LMLM gia súc giữa đại ngàn bao la. Từ năm 1959-2002 cả vùng rừng đầu nguồn biên giới này thuộc sự quản lý của Lâm trường Hương Sơn (nay là Cty Lâm nghiệp, dịch vụ Hương Sơn), nhưng sau đó không hiểu vì sao mà hơn 2.000 ha rừng của Cty lại thuộc về Cty Hợp tác kinh tế QK4. Trong lúc đó, người dân xã Sơn Kim 1 sống với rừng bao đời nay lại không có đất rừng để sản xuất.
Tháng 7/2009, Cty Hợp tác kinh tế QK4 (chủ rừng) tự tiện cho ông Phạm Ngọc Kim, Giám đốc Cty CP Bao bì Việt Nam thuê mấy ha rừng đầu nguồn để mở trang trại làm nơi tập kết trung chuyển trâu bò nhập khẩu từ Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, vừa làm nơi lấy mẫu kiểm dịch ngay thượng nguồn sông Rào Mắc. Không hiểu hợp đồng cho thuê rừng thỏa thuận như nào nhưng chính quyền xã Sơn Kim 1 lại là người đứng ra thu tiền?! Sau khi thuê đất, bắt đầu từ tháng 7/2009, mỗi tháng có hàng chục chuyến xe chở hàng trăm con trâu bò từ Lào sang tập kết tại trang trại của ông Kim, rồi vài ngày chuyển đi các địa phương khác. Ngay khu vực trại ông Kim đóng có rất nhiều trang trại của dân với hàng trăm con bò thả rông nên trâu bò của trại ông Kim và của dân thường ăn chung với nhau.
Nhân viên bảo vệ trang trại Phan Văn Tiệp cho biết: Trưa ngày 5/9 anh phát hiện có 2 con bò bị chết nằm ở một góc trại và một số con khác bắt đầu có hiện tượng bỏ ăn, đi cà nhắc. Đến tối cùng ngày, có 2 xe ô tô tiếp tục chở trâu về đậu trước cửa trại, biết có dịch xảy ra, ông Kim bảo lái xe chở trâu đi nhưng bị Đội lâm sinh giữ lại, sau mấy chục phút thì có sự can thiệp của ông Quý Tường, cán bộ xã giải quyết cho 2 xe trâu này đi ngay trong đêm. Liên tiếp các ngày sau, hàng loạt con trâu bò của trang trại các hộ dân như ông Trang, chị Hiền, bà Thùy, ông Minh, ông Diễn, anh Thiện, anh Tiến… trong vùng đồng loạt có triệu chứng buồn, chảy nước mắt, nước miếng, bỏ ăn- dấu hiệu của bệnh LMLM và một số con bị chết.
Hộ ông Nguyễn Xuân Trang có 5/9 con bị LMLM (một con đã bị chết); chị Cù Thị Hiền có 7/9 con mắc bệnh; bà Nguyễn Thị Thùy có 5/9 mắc bệnh; ông Nguyễn Doãn Tiến có 7 con mắc bệnh (1 con đã chết…). Ngoài những con đã mắc bệnh, các con nuôi chung cũng đang có nguy cơ “kéo nhau ra đi”. Ông Trang bức xúc: “Xóm trại chúng tôi nằm sâu trong hốc núi, ít tiếp xúc với bên ngoài nên từ trước tới nay chưa hề xảy ra dịch LMLM, thế nhưng kể từ khi mấy con bò trong trang trại nhà ông Kim chết thì cả đàn trâu bò của các hộ dân chúng tôi cũng bị lây lan dịch bệnh rất nhanh. Chỉ trong 5 ngày xảy ra dịch, cả vùng đã có gần chục con trâu bò chết, hàng trăm con mắc bệnh. Chúng tôi cho rằng, dịch từ trại này mà ra chứ không đâu khác”.
Nghi dịch từ trại bò NK của ông Kim gây họa cho dân, trong khi ông Kim lại bỏ trốn nên bà mẹ ông Kim (hơn 80 tuổi) đã bị người dân trong vùng giữ lại xem như “con tin” nhằm buộc ông Kim phải quay về trang trại để giải quyết thiệt hại cho dân. Trước sự việc trên, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã cử cán bộ vào vận động nhân dân "trả tự do" cho bà cụ. Sau hai ngày bị “tạm giữ”, bà cụ được thả ra an toàn. Đến thời điểm này, trâu bò nhiễm bệnh và chết không chỉ dừng lại trong khu vực Rào Mắc mà dịch đã lan nhanh xuống tận thôn Vũng Tròn và nhiều thôn khác cách vùng dịch gần chục cây số.
Anh Nguyễn Văn Chính, xóm Rào Mắc, xã Sơn Kim 1 bên con bò nhiễm bệnh LMLM đã nhiều ngày, vô phương cứu chữa
Bà Nguyễn Thị Hợp ở Vũng Tròn bức xúc nói: “Cơm gạo của cả gia đình tôi trông nhờ vào con trâu mộng này, vậy mà nó bị bệnh đã gần tuần nay chữa mãi không khỏi. Ruộng đất chỉ được ít thước gọi là; rừng thì toàn giao cho ai đâu đâu cả, nay cái “đầu cơ nghiệp” mất đi, rồi đây biết lấy gì mà sống”. Cũng theo bà Hợp, trong xóm Vũng Tròn còn có trâu bò nhà ông Dinh, ông Công, ông Hải…cũng đã nhiễm bệnh. Nhiều người dân trong xóm còn thấy xác trâu bò chết trôi từ thượng nguồn sông Rào Mắc về xuôi sông Ngàn Phố. Điều này đồng nghĩa với việc, mầm bệnh dịch từ vùng Rào Mắc sẽ theo sông Rào Mắc, ra sông Ngàn Phố và chảy xuôi về các xã vùng hạ Hương Sơn.
3 lần lên UBND đánh trống, xã mới đi kiểm tra
Quá bức xúc khi chứng kiến trâu bò chết hàng loạt, hàng trăm người dân vùng này đã kéo nhau lên UBND xã báo cáo những mong chính quyền quan tâm, giúp đỡ khống chế dịch. Thế nhưng, phải đến lần thứ 3 đưa trống lên “khua” thì xã mới cho nhân viên thú y xuống kiểm tra. Bà Nguyễn Thị Thùy, hộ dân có 5/9 con trâu bò đã nhiễm bệnh, không kìm nổi bức xúc: “Tôi không thấy cán bộ nào như cán bộ xã này! Dịch bệnh xuất hiện, cả xóm kéo nhau đến báo cho chính quyền để tìm phương án giúp dân thì chính quyền lại khoanh tay làm ngơ. Mồng 7/9 cả xóm xuống tận xã gọi, Chủ tịch xã hứa cho người lên nhưng rồi cũng không thấy ai lên. Mồng 8 cũng gọi, không thấy ai lên. Hoảng quá, ngày mồng 9/9, chúng tôi phải đưa trống xuống đánh ầm ầm ở trụ sở ủy ban thì xã mới cho người lên kiểm tra. Nhưng lúc này bò đã bị bệnh, chết cả loạt rồi. Sự thờ ơ này của UBND xã Sơn Kim 1 có khác gì “thấy người chết mà không cứu”.
Theo thông tin từ cán bộ điều tra Công an huyện Hương Sơn, dịch xảy ra cho đến nay đã hơn chục ngày, ông Kim tắt máy và cũng không thấy xuất hiện trên địa bàn.
Bà Thùy còn cho biết, nỗi bức xúc của người dân xóm Rào Mắc không chỉ dừng lại ở đó khi một cán bộ thú y nói: “Trâu bò ông bà bị bệnh thì ông bà lo mà chữa đi. Ông bà nuôi, ông bà bán lấy tiền. Khi có tiền có thấy gọi gì đến chúng tôi đâu”. Dịch LMLM diễn ra hết sức phức tạp, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y tỉnh đã trực tiếp lên phối hợp với địa phương dập dịch. Nhưng khi tỉnh, huyện về rồi thì việc đâu để đấy. Cán bộ thú y cơ sở chỉ phát thuốc, phát kim tiêm giao cho dân tự điều trị lấy, mặc ai nấy chữa.
Điều kì lạ là dịch đã lan ra nhiều xóm với hàng trăm con gia súc chết và mắc bệnh; Cơ quan Thú y vùng III cũng đã lên kiểm tra nhưng đến thời điểm này, tại địa bàn xã Sơn Kim 1 không hề thấy một trạm chốt gác phun hóa chất tiêu trùng khử độc nào. Với sự thờ ơ như vậy của thú y và chính quyền xã Sơn Kim 1, nguy cơ bùng phát dịch LMLM ra diện rộng là chuyện không chóng thì chầy.