Dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp
Được đăng : 03/11/2016
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, chiều 22-7, tại Hà Nội, Cục Thú y cho biết, trong hai tuần qua, trên toàn quốc phát sinh thêm hai ổ dịch cúm tại Ðồng Tháp và Nghệ An; thêm sáu tỉnh (chủ yếu ở khu vực Duyên hải miền Trung) phát dịch tai xanh, trong đó các tỉnh bị dịch nặng là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu); còn dịch lở mồm long móng tại Cao Bằng, Quảng Ninh đang dần được kiểm soát.
Ban chỉ đạo nhận định: Diễn biến thời tiết bất thường trong thời gian tới sẽ giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm, do đó nguy cơ phát sinh các ổ dịch vẫn lớn và làm tăng nguy cơ dịch tai xanh lan rộng và đe dọa các tỉnh Tây Nguyên và miền Ðông Nam Bộ.
Vì vậy, Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ các ổ dịch, bao vây, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Các địa phương chưa có dịch cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới từng hộ chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của từng loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, trú trọng việc rà soát kế hoạch phòng, chống bệnh lợn tai xanh; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, dụng cụ, hóa chất, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch.
* Ngành thú y Phú Yên vừa phát hiện thêm hai ổ dịch lợn tai xanh mới xuất hiện tại thôn Mỹ Hòa thuộc xã Hòa Thắng (Phú Hòa). Kết quả xét nghiệm cho thấy đàn lợn 9 con của hộ ông Ðặng Mịch và 11 con của hộ ông Ðặng Ngọc Nổi đều bị dương tính với lợn tai xanh. Ngay sau khi phát hiện, chiều ngày 21-7 và sáng ngày 22-7, lực lượng chức năng của huyện Phú Hòa đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bệnh trên, đồng thời triển khai các biện pháp bao vây dập dịch tại nơi phát sinh ổ dịch mới này.
Ổ dịch lợn tai xanh phát hiện đầu tiên của tỉnh Phú Yên tại thôn Phú Lộc xã Hòa Thắng vào ngày 14-7, lần này lại thêm 2 ổ dịch mới ở cùng xã Hòa Thắng cho thấy tình hình dịch bệnh lợn tai xanh của Phú Yên chẳng những chưa được khống chế mà còn có chiều hướng lây lan.
* Ngày 21-7, Trạm Thú y huyện Ðak Ðoa đã phát hiện đàn lợn 24 con của một gia đình trú tại tổ 6-thị trấn Ðak Ðoa bị bệnh được gia đình chữa trị nhiều ngày nhưng không khỏi, trong số này hai con đã chết có những biểu hiện nghi là bị bệnh tai xanh.
Ngay sau khi phát hiện, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy mẫu huyết thanh gửi đi xét nghiệm, tổ chức thiêu hủy số heo trên đồng thời tiến hành các biện pháp bao vây tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi để tránh tình trạng lây lan sang các vùng khác. Qua khai báo của gia đình, đàn heo này được mua từ Thanh Hóa vào.