00:00 Số lượt truy cập: 3076365

Dịch bệnh tấn công vụ tôm mới 

Được đăng : 03/11/2016
Người nuôi tôm sú ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đang đứng trước dịch bệnh tấn công vụ tôm sú, gây chết hàng loạt.

Ông Lê Văn Sự, ấp Hòa Lý, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tôm thả nuôi chết sạch rồi. Bốn ao thả nuôi 5.000.000 con giống được 21 ngày thì chết. Hơn 60 triệu đồng đầu tư vào 4 ao tôm tan theo nước. Năm nay tôm chết bất thường. Con giống ra tận Phan Rang đặt hàng, sau đó đem tôm về Viện Nuôi trồng thủy sản 2 xét nghiệm đạt chất lượng mới thả nuôi nhưng không hiểu sao tôm vẫn chết. Hiện tại, những anh em nuôi tôm tôi quen biết trong 10 người đã có đến 9 người bị thiệt hại. Khổ nhất là những người năm 2010 hết vốn nuôi tôm cho mướn đất. Bây giờ tiếp tục ôm nợ và cho mướn đất với giá 1 – 1,2 triệu đồng/1.000 m2 nhưng ít người thuê. Tôm chết, nhiều gia đình đã chọn phương án đi làm mướn.

Ngồi ngay điểm thu mua tôm của bà Ngô Thị Nữa, ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng mà xót cùng nhiều người dân có tôm chết. Thả tôm với số lượng từ vài chục nghìn con giống trở lên sau 1 - 2 tháng thả nuôi thì chúng chết gần hết. Chị Trần Thị Ngọc Giàu, một người đi bán tôm chết, rầu rĩ: Vợ chồng ra ở riêng, ông già cho 2,5 công đất nuôi tôm, chạy vay thả nuôi 35.000 con giống, sau gần 2 tháng thả nuôi tốn hết 14 triệu đồng, nay tôm chết không biết sao trả nợ.

Qua ghi nhận thực tế tại các xã Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Đông, Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng thì hầu hết những hộ thả tôm giống từ giữa tháng 2, đầu tháng 3 đến nay đều bị thiệt hại từ 80 - 100%. Ông Võ Văn Chồi, PCT UBND xã Ngọc Tố cho biết: Lịch thời vụ thả nuôi là từ 1/3/2011 và theo đó đã có 443 hộ thả giống được 448 ha/2.100ha. Đến nay toàn xã đã có 92 hộ bị thiệt hại nặng. Ông Chồi nói, trước đây tôm chết do bệnh đốm trắng, đỏ thân còn năm nay thì có người bảo tôm bị bệnh teo gan, bởi vì con tôm khi chết vẫn còn tươi nhưng gan nhỏ lại. Các kỹ sư thuộc Cty thức ăn thủy sản cho hay đây là loại bệnh chưa có cách phòng trị. Thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng, đến nay nông dân các huyện đã thả nuôi được 14.000 ha tôm, trong đó đã có hơn 1.100 ha tôm chết.

Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng cho biết: Kết quả kiểm tra bước đầu, tôm chết do thời tiết thay đổi quá đột ngột, ngày nắng nóng, đêm lạnh, mưa trái mùa thường xuyên và kéo dài đã làm môi trường đảo lộn gây bất lợi cho con tôm. Không chỉ tôm nuôi chết mà nhiều trại sản xuất giống cũng bị thiệt hại do điều kiện thời tiết thay đổi bất thường. Để kịp thời khống chế dịch Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã cung cấp miễn phí hóa chất để người dân diệt mầm bệnh, không được thải nước ra kênh khi chưa xử lý thuốc. Những diện tích có tôm chết phải vệ sinh sạch sẽ, chờ sang tháng 4 thời tiết thuận lợi mới được nuôi lại.

Còn ở Bến Tre, người dân nuôi tôm quảng canh ở huyện Thạnh Phú cũng đang rơi vào nạn tôm chết. Ông Nguyễn Minh Cảnh, PGĐ Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: Diễn biến thời tiết đang làm người nuôi tôm đối mặt với nhiều rủi ro. Hiện tại, Sở NN-PTNT Bến Tre chỉ đạo cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống địa bàn và theo dõi tình hình để kịp thời hỗ trợ người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Tại Trà Vinh tuy mới đầu vụ thả nuôi tôm sú 2011, nhưng vùng nuôi tôm ven biển Trà Vinh đã có hơn 1.800 ha bị thiệt hại, số lượng tôm chết hơn 85 triệu con. Chỉ tính giá con giống bình quân từ 50 đến 55 đồng/con, nông dân đã thiệt hại hàng tỉ đồng. Ông Lê Văn Nhiên, ấp Tân Lập, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, than thở: Năm 2010 thả nuôi 30.000 con giống trên diện tích 7.000m2, cuối vụ lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Nhưng từ đầu vụ nuôi mới 2011 đến nay tuy chỉ mới 2 tháng mà tôi đã phải 3 lần thả giống. Chỉ tính tiền con giống, cải tạo ao hồ 3 lần đã lên hơn 20 triệu đồng. Năm nay thời tiết khắc nghiệt quá, toàn ấp hơn 80% hộ nuôi tôm bị chết, bà con lo lắm nuôi không khéo vỡ nợ như chơi.

 Không chỉ tại vùng tôm ở huyện Cầu Ngang mà tại vùng tôm huyện Duyên Hải, Trà Cú tôm nuôi chết cũng trên diện rộng. Ông Trần Văn Công, xã Đông Hải (Duyên Hải), cho biết: “Do giá tôm đang đứng ở mức cao nên nông dân xé rào thả nuôi trước thời vụ. Nhưng thời tiết bất thường đa số tôm nuôi trước thời vụ đều chết". Tính từ đầu vụ đến nay tỉnh Trà Vinh có 13.683 hộ thả 812 triệu con tôm sú giống, diện tích 13.553 ha, hơn 1.800 ha bị chết. Chỉ tính giá tôm giống dao động từ 50 đến 55 đồng/con, số lượng 85 triệu con giống thả nuôi bị chết lên hơn 4,2 tỷ đồng.

Ông Đào Văn Bé Ba, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, Trà Vinh than thở: Nuôi tôm trái vụ vẫn biết rủi ro cao nhưng thường bán được giá nên bà con “xé rào”. Khổ nỗi tôm nuôi trái vụ chết là hiểm họa rình rập, nguy cơ lây lan cho những hộ nuôi sau.