00:00 Số lượt truy cập: 3070085

Dịch bệnh tàn phá lúa trầm trọng thêm từng ngày 

Được đăng : 03/11/2016
Trao đổi với phóng viên ngày 28/11, ông Nguyễn Quang Minh - Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã nói như vậy.


Ông Minh cho biết thêm, tại các tỉnh phía Nam, hiện nay diện tích lúa còn trên đồng khoảng 700.000 ha (trong đó, chủ yếu là lúa mùa: 420.000 ha và lúa đông - xuân vừa xuống giống: 245.000 ha). Thế nhưng, diện tích lúa nhiễm rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá liên tục tăng, mặc cho các địa phương, bộ, ngành ra sức chống dịch.

Chỉ riêng tuần qua, trên trà lúa thu - đông và lúa mùa đã có thêm 11.500 ha nhiễm rầy, nâng diện tích lúa nhiễm rầy hiện có lên trên 82.000 ha (trong đó có hơn 4.000 ha nhiễm nặng).

Lúa ở nhiều nơi nhiễm rầy mật độ rất cao (trên 6.000 con/m2), như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Trong khi đó, diện tích lúa được phun trừ rầy chưa đến 60.000 ha. Rầy nâu rộ lên tại nhiều nơi vùng ĐBSCL từ ngày 22/11 đến nay, đáng chú ý là tỷ lệ rầy xanh đuôi đen (gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá) khá cao (trên 50%).

Tỷ lệ lúa nhiễm rầy chuyển sang bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá vẫn khá cao. Theo thống kê của Cục BVTV, trên trà lúa thu - đông và lúa mùa, diện tích nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trong tuần gần 58.000 ha, mặc dù đã giảm 6.800 ha so với tuần trước nhưng diện tích nhiễm mới trong tuần vẫn tăng gần 4.000 ha. Trong đó, riêng vùng ĐBSCL, diện tích lúa nhiễm bệnh hơn 51.000 ha, tăng 1.100 ha so với tuần trước.

Đáng nói, trà lúa đông - xuân vừa xuống giống đã nhiễm rầy và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá khá nặng. Trong tuần có trên 37.000 ha nhiễm rầy nâu, trong đó nhiều nhất là Sóc Trăng (28.500 ha). Diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên 9.200 ha, trong đó tỷ lệ nhiễm bệnh của trà lúa trên 30 ngày tuổi khá cao.

Hầu hết các tỉnh, thành đều tổ chức ra quân phòng trừ rầy nâu và tiêu hủy nguồn bệnh theo chỉ đạo của Bộ trưởng NN&PTNT. Mặc dù vậy, trên các trà lúa vẫn còn sót lại nhiều diện tích lúa mùa đang làm đòng với mật độ rầy rất cao, gây cháy rầy cục bộ tại Trà Vinh, Sóc Trăng.

Một số địa phương có diện tích lúa mùa đẻ nhánh hoặc làm đòng nhiễm bệnh rất nặng nhưng vẫn chưa được tiêu hủy, như các huyện Bình Minh (Vĩnh Long); Mỹ Xuyên (Sóc Trăng); Thạnh Phú (Bến Tre); Trà Ôn, Cầu Kè, Trà Cú (Trà Vinh)…

“Đáng lo ngại một số địa phương (Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Long An) vẫn chưa có sự chỉ đạo xuyên suốt từ huyện xuống xã, là nguyên nhân chính khiến công tác dập trừ rầy nâu và tiêu hủy nguồn bệnh không đúng tiến độ và yêu cầu” - Thứ trưởng NN&PTNT Bùi Bá Bổng chỉ rõ.