00:00 Số lượt truy cập: 3079267

Dịch heo tai xanh: Những cách ứng xử chưa đúng 

Được đăng : 03/11/2016
Những ngày gần đây, dịch heo tai xanh bùng phát và ngày càng lan rộng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 14 tháng 5 đã có trên 52.000 con heo (lợn) phải tiêu huỷ, số địa phương có dịch ngày càng lan rộng, thiệt hại ước hơn 100 tỷ đồng.


Nguyên nhân dịch bệnh lan rộng được xác định là do thiếu trách nhiệm với cộng đồng của người chăn nuôi, người giết mổ, kinh doanh thịt lợn, chính quyền cơ sở và lực lượng cán bộ chuyên trách mỏng, cơ chế đền bù khác nhau giữa các địa phương.

Sự thiếu trách nhiệm của người nuôi thể hiện ở một số cách ứng xử sau: không báo thú y khi phát hiện heo bệnh, bán chạy heo bệnh, vứt heo bệnh đã chết ra đồng ruộng, sông hồ... Người kinh doanh thì không đảm bảo vệ sinh khi giết mổ, mua lợn bệnh về giết mổ nhằm kiếm lợi nhuận cao.

Sự thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở thể hiện ở việc tuyên truyền phòng chống dịch chưa đến nơi đến chốn, giám sát việc thực hiện phòng chống dịch chưa chặt chẽ.

Đối với lực lượng thú y, do số cán bộ ít, thiếu thiết bị, phương tiện và vắc-xin nên việc xác định heo bệnh, hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi phòng và ngăn chặn dịch chưa hiệu quả.

Và thêm nữa, do cơ chế hỗ trợ thiệt hại lợn chết do bệnh tai xanh mỗi địa phương một khác nên một số người nuôi đã móc nối với nhau chuyển lợn bệnh đến địa phương có mức hỗ trợ cao hơn...

Đó là những ứng xử chưa tốt trong công tác phòng chống dịch. Việc người tiêu dùng xa lánh thịt lợn những ngày qua cũng là cách ứng xử chưa đúng bởi nếu không ăn tiết canh, nem chạo, nem chua, ăn tái; nấu chín kỹ thì ăn thịt lợn không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ. Những người mắc liên cầu khuẩn là do ăn tiết canh, do không tuân thủ vệ sinh khi giết mổ.