00:00 Số lượt truy cập: 3080051

Dịch lợn tai xanh tại các tỉnh phía Bắc: Nguy cơ lây lan vào phía Nam 

Được đăng : 03/11/2016
Qua kỳ nghỉ 30/4 và 1/5, dịch lợn tai xanh tại các tỉnh phía Bắc vẫn diễn biến phức tạp. Đáng nói là trong khi các ngành chức năng và chính quyền các cấp đang ráo riết vào cuộc thì ở một số nơi, người dân và người kinh doanh vẫn lợi dụng sơ hở để mua bán lợn ốm, vận chuyển lợn ốm từ nơi này sang nơi khác khiến “cuộc chiến” chống dịch lợn tai xanh ngày càng gặp nhiều khó khăn.


12 tỉnh có dịch lợn tai xanh

Theo thông tin từ Cục Thú y, tính đến ngày 3/5, trên địa bàn cả nước đã có 12 tỉnh xuất hiện dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày. Dịch lợn tai xanh đã tái phát và đang tấn công đàn lợn của người dân ở 131 xã (phường) thuộc 25 huyện (thị) của 12 tỉnh thành, gồm: Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Nam, Nghệ An, Nam Định, Hà Nam và Lạng Sơn. Hiện đã có tổng cộng 39.826 con lợn mắc bệnh, trong đó 16.230 con đã chết hoặc bị tiêu hủy.

Dịch lợn tai xanh lây lan đã khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh khóc dở mếu dở. Anh Đặng Huy Mạnh ở thôn Lân là hộ bị thiệt hại nặng nề nhất xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Số lợn bị tiêu hủy của gia đình anh lên tới gần 4 tấn. Hộ anh Vũ Ngọc Trung (xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cũng cho biết: "Dịch vừa mới quét qua, nhà tôi đã phải tiêu hủy khoảng gần 2 tấn lợn". Anh Trung cho biết, năm 2007, dịch lợn tai xanh đã khiến gia đình anh bị kiệt quệ, cố gây dựng mãi, đàn lợn vừa mới phát triển trở lại, với gần 100 con thì lại tiếp tục có dịch khiến anh vô cùng lo lắng.

Tại tỉnh Hưng Yên, gia đình anh Phùng Văn Trân có đàn lợn bị dịch từ nhiều ngày nay, toàn bộ 40 con lợn của gia đình anh bị ốm, trong đó có 15 con bị chết. Anh Trân than thở: “Người chăn nuôi đang ở hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nếu không được Nhà nước hỗ trợ chúng tôi không thể xoay xở để trả nợ ngân hàng và khôi phục đàn lợn sau này”.

Dịch lợn tai xanh không những gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng lớn đến cả người kinh doanh. Từ khi có dịch, nhiều người đã không dám ăn thịt lợn.

Nhiều vụ vận chuyển lợn ốm

Trong khi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang ra sức dập dịch thì ở một số nơi, người dân và người kinh doanh vẫn lợi dụng sơ hở để vận chuyển, buôn bán lợn ốm hòng trục lợi.

Tại Trạm kiểm dịch Gia Lách, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra phát hiện xe ô tô vận chuyển lợn BKS 98K-3587, vận chuyển 61 con lợn từ tỉnh Bắc Giang vào Hà Tĩnh. Giấy chứng nhận vận chuyển có 40 con, nhưng Trạm kiểm dịch kiểm tra thực tế trên xe có 61 con, trong đó có 2 con đã chết, số còn lại đều sốt, mổ khám 2 lợn, 1 lợn chết và 1 lợn sống, lấy 2 mẫu xét nghiệm đều dương tính với bệnh tai xanh. Trước tình hình này, ngày 2/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có Công điện khẩn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở NN&PTNT, các ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện 615/TTg - KTN của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 15/CĐ-BNN-TY của Bộ NN&PTNT về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh tai xanh ở lợn và chấn chỉnh công tác kiểm dịch động vật.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Do chính sách hỗ trợ ở mỗi địa phương khác nhau nên người dân đã lén lút làm liều. Hiện có tỉnh hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn ốm bị tiêu huỷ, nhưng có tỉnh chỉ hỗ trợ 16.000 - 18.000 đồng/kg, dẫn đến người dân vận chuyển lợn từ vùng có hỗ trợ thấp sang vùng có hỗ trợ cao để tiêu thụ. Không những thế, do không bán được và do giá lợn trên thị trường bị tư thương ép giá nên khi lợn bị các bệnh khác, người dân cũng không chữa trị mà cứ đăng ký tiêu huỷ. Tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm (Hà Nội), Chi cục Thú y cùng chính quyền địa phương đã phát hiện 4 vụ vận chuyển lợn nái từ Bắc Ninh về. Hiện trên địa bàn thành phố đã xuất hiện thêm một số ổ dịch tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), đang có nguy cơ lây lan. Các ổ dịch cũ ở Gia Lâm và một số ổ dịch trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện đã khống chế được.

Nguy cơ lây lan vào phía Nam

Theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, nguyên nhân dẫn đến dịch lợn tai xanh bùng phát nhanh là do người dân và một số chính quyền cơ sở đã lơ là chủ quan, phát hiện chậm. Một số nơi vì nhiều nguyên nhân đã giấu dịch, trong đó có việc chưa lường trước được hậu quả, tự triển khai chống dịch đến khi dịch lan rộng thì hoảng quá mới báo cáo cấp trên. Nhiều tỉnh không có kế hoạch phòng chống dịch chu đáo, cụ thể. Ông Năm cũng nhận định: Hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tình trạng rất nghiêm trọng, nguy cơ lây lan rộng tại các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ rồi lan rộng vào phía Nam là rất cao.

Ông Năm khuyến cáo, trong khi Việt Nam chưa thử nghiệm được việc tiêm vắc-xin phòng dịch lợn tai xanh, chính quyền và cơ quan hữu trách các địa phương cần phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển, giết mổ lợn, đồng thời tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

Hà Nội quyết liệt thực hiện 5 không

Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Đăng cho biết: Để chủ động phòng chống dịch lợn tai xanh trên địa bàn thành phố, hiện Chi cục Thú y đã tham mưu cho UBND thành phố nhiều biện pháp quyết liệt. Cụ thể, tại Công văn 61/KH - UBND, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi, đối tượng buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc. Thực hiện 5 không: không giấu dịch; không bán chạy; không giết mổ gia súc bị bệnh; không vứt xác lợn bị bệnh bừa bãi ra môi trường và không kinh doanh, buôn bán vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc.

Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải đồng loạt tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc từ ngày 3 – 6/5; tẩy uế môi trường và tiêm phòng vắcxin cho đàn gia súc, đặc biệt đối với những nơi có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tai xanh, chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở rà soát, kiểm tra số đầu lợn trên địa bàn, đặc biệt số hộ chăn nuôi tập trung quy mô lớn làm cơ sở cho việc quản lý, theo dõi diễn biến đàn gia súc trên địa bàn, tránh việc vận chuyển gia súc từ nơi có dịch vào thành phố.