Tổng số gia súc ốm phát sinh trong ngày là 16.231 con, trong đó số tiêu huỷ trong ngày là 22.293 con (gồm cả những lợn ốm trong các ngày trước đó).
Tại Thái Bình, từ ngày 10/4, hiện tượng lợn ốm nghi bệnh tai xanh đã xuất hiện tại thôn Nguyệt Lăng, xã Minh Khai (huyện Vũ Thư). Hôm 15/4, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy mẫu gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ để xét nghiệm, kết luận là do bệnh Tai xanh. Tổng số lợn bị ốm và phải tiêu huỷ đến 17h giờ chiều 16/4 là 142 con (43 lợn nái, 51 lợn sữa và 48 lợn thịt).
Trước tình hình nguy cấp này, ngày 17/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức Hội nghị phòng chống dịch tai xanh tại các tỉnh phía Bắc, nhằm chặn đà dịch đang lây lan nhanh sang khu vực này.
Như vậy, kể từ đầu năm, dịch tai xanh đã xuất hiện ở 470 xã, phường thuộc 36 huyện, thị, thành phố của 7 địa phương là Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Nam, Nghệ An, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế và Thái Bình. Tổng số lợn mắc bệnh là 175.654 con, số chết và phải tiêu huỷ là 171.294 con. Riêng tại Thanh Hoá, tổng thiệt hại ước tính lên tới trên 350 tỷ đồng.
Đáng lo ngại là nguy cơ khan hiếm thịt lợn, đặc biệt là đàn lợn giống, sẽ rất lớn. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho rằng, dịch tai xanh lây lan rộng tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi do đối tượng mắc bệnh tai xanh tập trung nhiều vào lợn nái.
Ông Sơn tính toán, mất 1 con lợn nái tương đương với mất 1-1,5 tấn lợn thịt/năm. Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt lượng thịt cung ứng cho tiêu dùng, ảnh hưởng đến giá cả và cung - cầu thịt lợn trên thị trường.
Do vậy, vấn đề quan trọng đối với các địa phương là phải thường xuyên giám sát tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn, phát hiện nhanh dịch bệnh, khoanh vùng dập dịch ngay từ diện nhỏ. Theo ông Sơn, đợt dịch năm 2007 đã xảy ra tại hầu hết các tỉnh miền Bắc với số lượng lợn tiêu huỷ lớn đã tác động tiêu cực tới việc khôi phục đàn lợn nái.
Chính vì vậy, đầu tuần này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu Cục Thú y tiếp tục tăng cường cán bộ xuống các địa phương còn dịch; theo dõi, chỉ đạo sát sao, quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh tai xanh ở lợn, nhất là tại tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống thú y tham gia kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, báo cáo số lượng gia súc mắc bệnh và tiêu huỷ.
Bộ cũng sẽ sớm có văn bản chỉ đạo Viện Chăn nuôi, Trung tâm lợn giống Thụy Phương triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh tai xanh trên lợn để bảo vệ đàn giống.
TT-Huế: Cảnh báo dịch lây sang người
Chiều ngày 16/4, UBND tỉnh TT-Huế đã triệu tập cuộc họp với các cơ quan chức năng, chính thức thông báo dịch heo tai xanh bùng phát.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục Trưởng chi cục thú y tỉnh TT-Huế cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến bệnh tai xanh phát ra trên địa bàn tỉnh là do việc vận chuyển lợn từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam qua đường tránh Huế đã phát tán mầm bệnh và lây lan ở các xã lân cận.
Dịch heo tai xanh đang bùng phát trên diện rộng và rất dễ lây lan sang con người. Năm 2007, tỉnh TT - Huế đã có 3 bệnh nhân chết vì do ăn thịt lợn tai xanh. Vì vậy việc kiểm tra sức khoẻ các hộ chăn nuôi có heo dịch, cán bộ thú y ra vào vùng dịch là rất quan trọng" - ông Dương Quang Minh, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh TT-Huế khẳng định.
Để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng an toàn cho con người, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng dân vùng dịch đem heo bán tháo và vận chuyển heo từ nơi khác đến. Các địa phương có dịch thành lập các chốt chặn và phải có người túc trực 24/24, theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Đến chiều ngày 16/4, TT-Huế đã có thêm hai địa phương xảy ra dịch heo tai xanh, đó là xã Hương Long (thành phố Huế) 16 con và xã Hương Xuân (huyện Hương Trà) 71 con, nâng tổng số địa phương có dịch heo tai xanh lên 6 xã, thị trấn.
Tính đến nay, số heo mắc bệnh tai xanh trên toàn tỉnh là 1.026 con, trong đó đã tiến hành tiêu huỷ 802 con và số còn lại sẽ tiến hành tiêu huỷ vào ngày 17/4. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục rà soát, vận động người dân có heo dịch phải đem tiêu huỷ.
Sáng ngày 16/4, tỉnh TT- Huế đã phát động cán bộ thú y, đoàn thanh niên, hội nông dân… tiến hành phun phòng, tiêu độc, khử trùng đối với các địa bàn xảy ra dịch. Hiện, các cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát các ổ dịch cũ và tiến hành tiêu độc, khử trùng. Tỉnh cũng có công văn chỉ đạo địa phương nào có heo dịch phải báo ngay với cơ quan chức năng để tiến hành tiêu huỷ.
Tránh tình trạng dẫm lên “vết xe đổ” năm ngoái, địa điểm tiêu huỷ heo dịch tai xanh phải cách xa khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khoẻ của con người.