** Thừa Thiên - Huế: Tại xã Hương Chữ (huyện Hương Trà), địa phương mới xuất hiện dịch bệnh cách đây 3 ngày, tất cả mọi ngả đường vào-ra xã được phong tỏa, 5 chốt kiểm dịch động vật được nhanh chóng thiết lập nhằm khoanh vùng xử lý dịch bệnh trên lợn. Việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, sử dụng thịt lợn làm thực phẩm đã tạm thời bị cấm tại địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến sáng 14/4, toàn xã đã xác định có 212 con lợn ốm (trên tổng đàn 5.600 con), với các triệu chứng sốt cao, xuất huyết ngoài da, tiêu chảy, bỏ ăn. Nhiều con được xác định mắc các loại bệnh như: tụ huyết trùng, tiêu chảy, phó thương hàn… Ngay từ sáng sớm 14/4, công tác kiểm tra, thu gom lợn bệnh đem tiêu hủy đã được chính quyền địa phương, cán bộ thú y huyện Hương Trà khẩn trương triển khai tại 7 cụm của 4 thôn trong toàn xã. Hơn 60 lít hóa chất khử trùng, tiêu độc đã được chuyển về Hương Chữ để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo ông Lê Đình Nam - Chủ tịch UBND xã Hương Chữ - tình trạng lợn bị ốm đã được phát hiện trên địa bàn cách đây một tuần, ban đầu chỉ một vài hộ có lợn ốm, nhưng hiện đã lan rộng ra toàn xã, với gần 100 hộ gia đình có lợn bị bệnh. Sau một thời gian theo dõi, chính quyền địa phương đã báo cáo tình hình dịch bệnh lên các cơ quan chức năng của huyện Hương Trà và Chi cục Thú y tỉnh. Nguy cơ xảy ra dịch bệnh nguy hiểm này tại Hương Chữ là rất cao, vì đây là địa bàn có quốc lộ ngang qua, dịch bệnh có thể xâm nhập từ nơi khác đến.
Chi cục Thú y Thừa Thiên- Huế đã lấy 7 mẫu bệnh phẩm trên lợn ốm gửi đi xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng 3. Kết quả xét nghiệm chậm nhất sẽ có vào chiều 15/4. Các ổ dịch cũ tại Thủy Vân, Thủy Thanh (Hương Thủy), Phú Mỹ (Phú Vang) cũng đang được theo dõi chặt chẽ.
Mặc dù chưa khẳng định dịch tai xanh bùng phát trở lại tại Thừa Thiên- Huế, nhưng theo ông Hồ Đăng Vang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các biện pháp phòng, chống dập dịch đang được triển khai thực hiện theo như quy định khi đã có dịch. Lợn bị bệnh hàng loạt và buộc phải tiêu hủy xảy ra vào thời điểm giáp hạt hiện nay đang gây khó khăn và thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh là 25.000 đồng/kg theo quy định của Chính phủ, người dân có lợn ốm ở Hương Chữ đã phần nào an tâm và tích cực hợp tác với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để nhanh chóng khoanh vùng xử lý, tiêu hủy gia súc bị bệnh, đề phòng dịch bệnh lan rộng. Đến chiều 14/4, 212 con lợn bệnh ở Hương Chữ đã được tiêu hủy xong. Cơ quan thú y địa phương đang tiếp tục theo dõi tình hình lợn bệnh để có những biện pháp xử lý kịp thời và kiên quyết.
** Lâm Đồng: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ông Phạm Văn Án cho biết, tỉnh đã phát hiện 78 con lợn thuộc 4 xã, phường của thị xã Bảo Lộc bị mắc bệnh tai xanh là các xã Lộc Thanh, Đạm Bri, phường 1 và phường Lộc Phát. Ngay lập tức địa phương đã cho tiêu hủy hơn 200 con lợn của các gia đình có lợn bị nhiễm bệnh. Chiều 14/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố dịch, đồng thời nghiêm cấm việc giết mổ và vận chuyển lợn ra khỏi 4 xã, phường nói trên.
Tỉnh cũng đã thành lập tổ dập dịch trực tiếp xuống các địa phương có dịch để làm nhiệm vụ, kiên quyết tiêu hủy những đàn lợn đã mắc bệnh, không để bệnh lây lan ra xung quanh và quyết tâm bảo vệ bằng được hơn 100.000 con lợn hiện có ở Lâm Đồng. Tỉnh đã quyết định hỗ trợ 25.000 đồng/1 kg lợn cho các gia đình có gia súc bị tiêu hủy.
** Quảng Nam: Ngày 13/4, dịch xảy ra tại 2 thôn thuộc 2 xã (Đại Cường và Đại Thắng) của huyện Đại Lộc. Tổng số lợn mắc bệnh là 37 con, trong đó Đại Cường có 33 con (5 nái, 8 lợn thịt và 20 lợn con), xã Đại Thắng có 4 con (2 lợn nái và 2 lợn thịt).
** Thanh Hoá: Chi cục Thú y Thanh Hoá cho biết, đến ngày 14/4, Thanh Hoá đã có 318/428 xã thuộc 16 huyện, thị, thành phố xuất hiện dịch lợn tai xanh với 122.926 con lợn mắc bệnh, phát sinh 7.194 con so với thống kê ngày 12/4. Số lợn tiêu huỷ 112.972 con với trọng lượng tiêu huỷ 5.903.100 kg, ước tính thiệt hại hơn 120 tỷ đồng (nếu tính trung bình 1 triệu đồng/con lợn). Nguyên nhân của tình trạng dịch bệnh tạm lắng rồi lại bùng phát như hiện nay là do lượng hoá chất không đủ nên khâu tiêu độc khử trùng các ổ bệnh không thể tiến hành tốt.
Với gần 10 tấn hoá chất còn lại được cấp sau cơn bão số 5 (tháng 10/2007), 5 tấn do tỉnh mua mới, 5 tấn trung ương cấp không thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế lên đến 60-70 tấn.
Bên cạnh đó, lượng hoá chất ít, lại cấp nhỏ giọt làm ảnh hưởng rất lớn đến việc bao vây, dập dịch. Trong ngày 15/4, một ổ dịch mới tiếp tục phát sinh tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thuỷ với hàng chục con lợn mắc bệnh. Theo ông Nguyễn Hữu Định, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, chưa bao giờ Thanh Hoá bị đợt dịch lớn như thế này.
Thanh Hoá hiện có 1901 chốt kiểm dịch từ tỉnh đến xã, thôn, không cho vận chuyển lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn ra vào địa bàn. Trong ngày 13/4, các chốt kiểm dịch này đã bắt được 936 con lợn với trọng lượng 5.057kg và thu 136kg sản phẩm từ lợn ở các chợ. Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra quyết định tạm dừng toàn bộ hoạt động giết mổ, lưu thông, buôn bán lợn, thịt lợn, sản phẩm khác từ lợn trên phạm vi toàn tỉnh cho đến khi công bố hết dịch thay vì chỉ tạm dừng đến ngày 15/4/2008 như công điện khẩn số 09/CĐ-UBND./.