Mô hình trồng cao su tiểu điền và cây cà phê của ông Y on Ni ê, người dân tộc Ê Đê ở Buôn Sút, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Magar, Đăk Lăk cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí. Gia đình ông là một điểm sáng về phát triển kinh tế để bà con trong vùng học tập và noi theo.
May mắn hơn những người dân ở quê mình, ông được Nhà nước cho đi học ngành Trung cấp Y tế,nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên ông không thể làm việc theo đúng chuyên môn đã được học mà làm nghề nông. Năm 1986, ông lập gia đình, khi đó điều kiện kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn như nhiều hộ nông dân trong buôn Sút. Với số diện tích đất canh tác khoảng 1 ha do cha mẹ chia cho, ông bắt đầu trồng cà phê. Vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật nên làm nhiều nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Nhìn thấy cảnh con cái mình khổ quá, lạc hậu quá; hai vợ chồng ông bàn bạc và quyết định mình phải gắng lên làm việc thật nhiều, không kể mưa, nắng, dù phải bỏ mồ hôi, và nước mắt vẫn không bỏ cuộc để mong đưa kinh tế gia đình mình khấm khá lên. Ông suy nghĩ, tại sao những người khác làm được mà mình không làm được, từ đó ông đã mua các sách báo, tài tiệu về kỹ thuật nông nghiệp để tự nghiên cứu, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi và áp dụng vào sản xuất. Nhờ có ý chí tự lực, tự cường, tinh thần học tập vươn lên trong lao động nên kinh tế của gia đình ông khá lên qua từng mùa rẫy, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, gia đình ông có tất cả 28 ha đất sản xuất, trong đó có 6 ha trồng cây cà phê, 22 ha trồng cao su.
Ông cho biết, 6 ha trồng cà phê nhờ áp dụng khoa học vào sản xuất đã mang lại hiệu quả đáng kích lệ. Năm 2011 ông thu hoạch đạt 28 tấn cà phê nhân, sau khi trừ chi phí sản xuất thu được 700 triệu đồng.
Gia đình ông có 22 ha cao su đang trong thời kinh doanh. Để canh tác cao su đạt hiệu quả, gia đình ông tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối, hợp lý, khai thác mủ đảm bảo quy trình, không bóc lột đất, nhờ vậy vườn cây luôn cho sản lượng mủ cao, đạt chất lượng tốt. Hàng năm ông thu sản lượng 30 tấn mủ đạt doanh thu 2,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí trả công lao động và phân bón đầu tư, số lợi nhuận gia đình ông thu được còn trên 1,8 tỷ đồng.
Nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ trồng cây công nghiệp nên ông đã tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, là hội viên, nông dân nghèo trong buôn làm công nhân cho gia đình, trả lương theo sản phẩm thu được với mức trên 6 triệu đồng/người/ tháng.
Kinh tế gia đình phát triển, ông có điều kiện giúp đỡnhiều gia đình ở địa phương phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Gia đình ông đã hỗ trợ cho 2 hộ với số tiền 40 triệu đồng để xóa nhà dột nát; giúp 3 hộ thoát nghèo. Nhờ có máy bơm điện 3 pha và đường ống tưới, gia đình đã giúp cho một sô gia đình tưới cà phê trong mùa khô (chỉ lấy tiền điện theo quy định của Nhà nước mà không trả tiền thuê máy và ống nước).
Tháng 5 năm 2012, ông đã vinh dự đại diện cho hàng vạn nông dân của tỉnh Đăk Lăk về dự Hội nghị Nông dân SXKD giỏi toàn quốc do TƯ Hội NDVN tổ chức. Khi được hỏi về vai trò của tổ chức Hội đối với người dân quê ông, ông phấn khởi cho biết: « Tham gia tổ chức Hội Nông dân, tôi thấy cuộc sống của gia đình mình thật có ý nghĩa vô cùng, được hòa mình cùng với nhiều hội viên khác, chung sức thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên để làm giàu; bên cạnh đó còn được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa… »./.