00:00 Số lượt truy cập: 2999433

Điện Biên: Dự án nông - lâm kết hợp góp phần tăng thu nhập cho nông dân xã Si Pa Phìn 

Được đăng : 03/11/2016
Xã Si Pa Phìn là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 12.985,82 ha, số dân 4.584 người với trên 90% dân tộc thiểu số sống trong 15 bản.

Thu nhập của nông dân chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp canh tác trên nương, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, bấp bênh phụ thuộc khí hậu, đất đai, giống cây trồng chủ yếu giống là địa phương, tập quán canh tác lạc hậu, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 63,4%. Những năm trước đây phương thức canh tác trên đất dốc của bà con nông dân phổ biến vẫn là du canh, trồng chay... Tình hình phá rừng, đốt rẫy làm nương canh tác lạc hậu đã làm cho đất đai ngày càng xấu đi, năng suất cây trồng càng thấp.

Để từng bước đưa diện tích đất dốc hoang hoá vào canh tác có hiệu quả, nâng cao đời sống của người dân trong xã Si pa Phìn, huyện Mường Chà, năm 2009 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng dự án ''Dự án phát triển trồng rừng nguyên liệu, canh tác nông - lâm kết hợp tại xã Si Pa Phìn". Mục tiêu lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng, lựa chọn các quy trình kỹ thuật tiến bộ chuyển giao, xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp canh tác bền vững trên đất dốc có tác dụng bảo vệ đất và làm tốt môi trường sống, sử dụng đất một cách hợp lý nhằm duy trì và tăng độ phì của đất, đồng thời từng bước nâng cao nhận thức và vai trò của rừng, nâng cao hiệu quả trong sản xuất trên đất dốc.

Mục tiêu là vậy nhưng để làm được thì thật khó khăn. Những ngày đầu triển khai dự án bà con nông dân còn rất nhiều ngần ngại khi dự án triển khai vận động trồng các giống cây lâm nghiệp mới vào nương của mình. Sau nhiều cuộc họp triển khai người dân từ chối trồng giống mới sợ không cho thu hoạch lấy gì ăn, dự án có đền cho không, nhiều câu hỏi người dân đưa ra cũng đã có lúc làm nản lòng cán bộ khuyến nông. Nhưng với lòng nhiệt tình, yêu nghề nông của cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ xã Si Pa phìn đã vận động, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn phổ cập kiến thức chung cho cộng đồng người dân, kết hợp với các minh chứng từ các tranh ảnh, mô hình đã triển khai thực hiện ở các địa phương khác có hiệu quả người dân đã đồng ý cam kết thực hiện.

Năm 2010, Trung tâm khuyến nông phối hợp với Trạm khuyến nông huyện, UBND xã Si Pa Phìn đã xây dựng mô hình thâm canh cây thông ba lá theo quy mô hộ gia đình 5 ha với sự tham gia của 10 hộ nông dân theo phương thức trồng xen nương lúa của nhân dân; Mô hình thâm canh cây bạch đàn U6 quy mô 5 ha; Mô hình trồng cây keo lai 5 ha với sự tham gia của 20 hộ nông dân. Kết quả năng suất lúa vẫn đạt so với đại trà, cây thông trồng xen sinh trưởng phát triển tốt.
Vụ xuân hè năm 2011 Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình Nông lâm kết hợp thâm canh cây lúa cạn 93.1 quy mô 5 ha trồng xen cây thông năm thứ 2; Mô hình thâm canh cây đậu tương 10 ha cùng với cây bạch đàn U6 và cây keo lai. Cây bạch đàn mô và cây thông, cây keo lai là những cây mọc nhanh đã được lựa chọn trồng xen để ngăn dòng chảy bảo vệ đất, nhất là đối với xã Si Pa Phìn chủ yếu là đồi núi trọc, hàng năm lượng xói mòn đất rất lớn. Cây lâm nghiệp tại mô hình đã có tác dụng phòng hộ, nhằm tăng năng xuất cây trồng xen lúa nương và cây đậu tương trong quá trình thâm canh. Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện, vừa qua Trung tâm khuyến nông tổ chức hội thảo, tổng kết đánh giá kết quả mô hình. Kết quả năng suất thực thu của mô hình đậu tương trên diện tích trồng xen đạt 17,8 tạ/ha, diện tích đậu tương trồng theo đám đạt 19,2 tạ/ha; Mô hình lúa nương 93.1 trồng xen cây thông hiện đang thời kỳ làm đòng cây sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến sau 1 tháng nữa sẽ thu hoạch, so với diện tích lua lương trồng giống địa phương của nông dân thì lúa nương 93.1 phát triển tốt hơn, đẻ nhiều nhánh hơn, đòng to hơn. Kết quả gieo trồng cây nông nghiệp trồng xen cây lâm nghiệp đã giúp cho các hộ nông dân tham gia mô hình có thu nhập từ cây trồng nông nghiệp, nhằm duy trì cuộc sống gia đình trước mắt để tiếp tục đầu tư cho mục đích lâu dài là thu nhập từ gỗ tận dụng phục vụ trực tiếp tại chỗ cho người dân xã Si Pa Phìn.

Ngoài ra, người dân còn được hướng dẫn sử dụng các sản phẩm như cây, lá, rễ đậu tương, lúa sau thu hoạch để che phủ đất, giữ độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại mọc. Các sản phẩm sau thu hoạch còn có tác dụng để cải tạo đất, bón cho đất, làm tơI xốp đất và tăng độ phì; Hàng năm người dân còn được hướng dẫn tỉa cành tận dụng làm củi đun.

Từ kết quả trên của dự án cho thấy: Mô hình trồng xen các lâm nghiệp trên đất dốc, canh tác nông nghiệp không làm giảm sút năng suất các cây trồng nông nghiệp mà còn cải tạo đất, quản lý bảo vệ rừng và đất rừng giúp nhân dân trong xã Si pa Phìn nâng cao nhận thức về kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, sản xuất Nông - Lâm nghiệp ổn định và bền vững. Sử dụng giống mới có năng chịu hạn, không sâu bệnh, năng suất cao. Người dân còn được chuyển giao khoa học kỹ thuật vào canh tác trên nương rẫy.
Phát huy kết quả đã đạt được, kế hoạch năm 2012

Trung tâm khuyến nông Điện Biên tiếp tục tuyên truyền vận động, chỉ đạo hướng dẫn các hộ nông dân tiếp tục trồng xen 10ha lúa nương và 5 ha cây đậu tương. Ngoài ra, khuyến nông còn tiếp tục vận động các hộ nông dân duy trì đầu tư, phát triển và nhân rộng mô hình tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân; Góp phần đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc, làm tăng nhanh độ che phủ, cải thiện môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân xã Si Pa phìn nơi đây đồi núi trọc còn quá nhiều, cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn.

Mô hình thâm canh cây lúa cạn 93.1 trồng xen cây thông 3 lá