Trong một chuyến công tác đầu tháng 6 năm 2015, chúng tôi đến thăm trang trại của ông Lò Văn Miên. Con đường dẫn vào trang trại hơi khó đi nhưng không làm chúng tôi nản lòng. Đi trên con đường đó, chúng tôi mới thấu hiểu ý chí và nghị lực vươn lên của người nông dân này.
Dọc theo con đường mới mở cách trục đường quốc lộ 12 chừng 2 cây số, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là màu xanh của rừng luồng, của vườn cây sai trĩu quả và những ao cá rộng hàng chục ngàn mét vuông, xa xa là khu rừng khoanh nuôi bảo vệ khoảng vài chục hecta. Đó chính là trang trại của ông Lò Văn Miên ở bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên.
Trước năm 2000 ở xã Thanh Nưa, nay gọi là xã Hua Thanh, cuộc sống của bà con dân tộc Thái thưa thớt, nghèo khó. Người dân không có vốn sản xuất, không có tư vấn khoa học kỹ thuật, nên cái đói cái nghèo cứ dai dẳng đeo bám. Ông Lò Văn Miên lúc đó còn trẻ luôn mơ ước làm sao có một nghề để thoát khỏi cảnh nghèo đói và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, nơi ông đã gắn bó từ thuở ấu thơ.
Sau khi tìm hiểu các phương thức làm ăn, ông mạnh dạn đầu tư số tiền ít ỏi tích cóp được, vay mượn thêm anh em bạn bè và Ngân hàng chính sách để đầu tư xây dựng trang trại. Bước đầu, ông bỏ ra trên 50 triệu đồng để mở một con đường từ Quốc lộ 12 vào trang trại.
Từ các chương trình dự án của huyện và Tổ chức phi chính phủ tài trợ, ông Miên đăng ký xin đi thăm quan một số mô hình VAC điển hình tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ). Trở về, ông bàn bạc với vợ trồng 500 cây cam Vinh, 200 cây chanh lai mua từ Viện Cây ăn quả (Hà Nội) . Gia đình ông thiết kế, hạ băng các quả đồi theo đường đồng mức quanh sườn đồi nhằm hạn chế xói mòn và thuận tiện cho việc chăm sóc, thiết kế đường dẫn nước từ khe sâu về trang trại để cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt dài gần 2 km, đầu tư phân bón và tận dụng nguồn phân hữu cơ có sẵn.
Ban đầu ông còn thiếu kinh nghiệm trồng cây ăn quả nên việc chăm sóc chưa được tốt. Ông không bỏ cuộc mà cố gắng học hỏi thêm trên sách báo và nhờ cán bộ khuyến nông huyện, tỉnh hướng dẫn thêm về kỹ thuật chăm sóc và cách phòng trị sâu bệnh thường gặp. Nhờ vậy, hiện tại vườn cây ăn quả của ông có hơn 3500 gốc cam, bưởi; 200 gốc na; 100 gốc chuối. Ông còn trồng ổi xen cam để chống bệnh vàng lá hại cam. Thu nhập hàng năm từ vườn cây ăn quả khoảng 300 triệu đồng/năm.
Ông Lò Văn Miên kiểm tra sâu bệnh trên gốc bưởi
Ngoài thu nhập từ vườn cây ăn quả, ông còn nhận với UBND xã Hua Thanh khoanh nuôi bảo vệ gần 50 ha đồi rừng, trồng chủ yếu các loại cây lấy gỗ có giá trị kinh tế như luồng, tre, keo tai tượng, bạch đàn... Hàng năm ông nhận được khoảng 50 triệu đồng từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và bán gỗ đã cho thu hoạch.
Ông cũng tận dụng nguồn nước khe, ngăn nước, be bờ được 5 ao thả cá rộng 1,2 ha với các loại cá rô phi, trôi, trắm, mè. Từ nuôi cá, ông thu 150 triệu đồng mỗi năm.
Ao cá nằm giữa khe của đồi rừng và vườn đồi cây ăn quả cho thu nhập 150 triệu/năm
Tận dụng diện tích đất rộng sẵn có, ông Lò Văn Miên xây dựng 2 chuồng trại lợn rừng theo hình thức thả rông và lai tạo. Đến nay ông đã có hàng trăm con lợn rừng vừa để cải thiện đời sống, vừa bán cho các hộ dân trong bản và các xã lân cận trong huyện, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Có nguồn thu từ trang trại, kinh tế gia đình của ông ngày càng ổn định. Ông Lò Văn Miên đã xây dựng được ngôi nhà sàn gỗ khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Ngoài ra trang trại của ông đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động trong thôn bản. Đặc biệt, trang trại là nơi tham quan học tập của nhiều nông dân đến từ các xã, huyện trong tỉnh và nước bạn Lào. Với những thành tích đó ông đã nhận được nhiều giấy khen của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và UBND huyện Điện Biên. Ông Lò Văn Miên xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình./.
Hoàng Khắc Tân
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên